Chuyển đến nội dung chính

Tôi vinh dự nhiều lần được làm việc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 QĐND-Cuối năm 1994, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi trở lại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Tại địa danh lịch sử ấy, tôi bỗng nhớ tới người đội trưởng của 34 chiến sĩ đầu tiên trong lễ thành lập. Thoáng trong đầu tôi có một điều băn khoăn suy nghĩ là tại sao trong một khoảng thời gian dài, các cơ quan truyền thông ít nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vì vậy, sau khi từ Cao Bằng trở về, tôi đề xuất với Ban biên tập để tôi thực hiện cuộc phỏng vấn thu thanh Đại tướng và phát trên sóng Phát thanh Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam vào đúng ngày 22-12. 

Thật may mắn, khi tôi đến Văn phòng Đại tướng và truyền đạt lại với Đại tướng về nguyện vọng này thì được Đại tướng vui vẻ nhận lời ngay. Đúng hẹn, tôi đến 39 Bà Triệu, Hà Nội chờ ông. Trước giờ thu thanh khoảng 10 phút, Đại tướng có mặt ở đài, cùng đi có Đại tá Nguyễn Tâm và một đồng chí bảo vệ. 

Tôi mời Đại tướng vào phòng thu thanh và thực hiện cuộc phỏng vấn. Nội dung trả lời phỏng vấn hôm ấy, Đại tướng kể lại kỷ niệm sâu sắc về buổi lễ ra mắt Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Một buổi lễ trang trọng nhưng thật giản dị trong khu rừng già Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình. Ông phân tích rõ ý nghĩa của cụm từ “tuyên truyền”, lấy tuyên truyền, vận động là chính. Đồng thời, ông kể lại hai trận đánh đầu tiên vào đồn Phai Khắt và Nà Ngần, giành thắng lợi giòn giã, làm nức lòng các đội viên. Cuối cùng, ông nói về phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Năm ấy Đại tướng đã ở tuổi 83 nhưng vẫn còn rất khoẻ mạnh, minh mẫn.

Thực hiện xong cuộc phỏng vấn trong phòng thu thanh, Đại tướng bảo tôi dẫn ông đi thăm cán bộ, công nhân viên của đài bá âm. Các phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật của đài đều háo hức đứng chờ Đại tướng, ai cũng có nguyện vọng được chụp chung với Đại tướng một kiểu ảnh kỷ niệm.

Tôi vinh dự nhiều lần được làm việc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn trong phòng thu. Ảnh tư liệu.

Đại tướng chuyện trò thân mật và cởi mở với anh chị em, hỏi thăm sức khoẻ, công việc chuyên môn rồi lần lượt chụp ảnh với tất cả mọi người ở đó. Phóng viên Trịnh Ngân Liên đã chụp hết một cuộn phim màu thì Đại tá Nguyễn Tâm và đồng chí bảo vệ tỏ ý sốt ruột, muốn đưa Đại tướng về, sợ ông mệt. Nhưng thật bất ngờ, đang định bước lên xe thì Đại tướng quay lại vẫy tôi tới và dặn một câu rất hóm hỉnh:

- Toàn xem có kiểu ảnh nào đẹp thì làm cho mình một tấm nhé. Mình sẽ trả tiền!

Câu nói của Đại tướng làm tất cả mọi người đứng ở sân cùng cười vui vẻ. Đại tướng vẫy tay chào lần nữa rồi mới lên xe về. Đó là lần duy nhất Đại tướng đến thu thanh tại đài bá âm.

Hôm sau tôi kể lại chuyện này với các đồng chí lãnh đạo của Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) thì Thiếu tướng Đào Ngô Minh (khi đó là Đại tá, quyền Cục trưởng) liền cử tôi đến gặp Đại tướng, chọn một kiểu ảnh mà Đại tướng ưng ý nhất, làm thành bức ảnh sơn mài để Cục Tuyên huấn tặng Đại tướng làm kỷ niệm nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân. Khi đề đạt ý tưởng ấy, tôi được Đại tướng gọi đến. Ông tiếp tôi ở căn phòng riêng trên tầng hai và đã chuẩn bị sẵn hai bức ảnh bán thân chụp nghiêng của ông. Đại tướng nói rằng, đây là ảnh do phóng viên nước ngoài chụp cho ông trước đó mấy năm. Đại tướng đưa tôi xem hai bức ảnh rồi hỏi:

- Theo Toàn, nên lấy kiểu nào để làm ảnh sơn mài đẹp hơn?

Tôi xem lại hai bức ảnh rồi trả lời:

- Cháu thấy cả hai tấm ảnh này đều đẹp. Nhưng chọn lấy một kiểu để làm ảnh sơn mài thì bác quyết định sẽ chuẩn hơn ạ!

Đại tướng mỉm cười, gật đầu và đưa cho tôi một tấm ảnh. Tôi đem kiểu ảnh đó tới một tiệm ở phố Lý Thái Tổ, đặt bà hoạ sĩ danh tiếng chuyên làm tranh sơn mài thể hiện, phóng to bức ảnh chân dung Đại tướng từ cỡ 9 x 12cm lên 400 x 600cm.

Một tuần sau đó, đoàn đại biểu Cục Tuyên huấn mang bức ảnh sơn mài vào thăm và tặng Đại tướng. Ông rất vui, cảm ơn rồi đặt bức ảnh lên vị trí trang trọng ở phòng khách. Ông đứng ngắm bức ảnh một lát, gật đầu tỏ ý hài lòng rồi quay sang phía tôi nói:

- Toàn cho mình gửi lời cảm ơn tới cô hoạ sĩ sơn mài nhé!

Tôi và phóng viên Trịnh Ngân Liên chuyển tiếp cho ông bộ ảnh hôm trước chụp kỷ niệm với cán bộ nhân viên đài bá âm và nói vui:

- Chúng cháu biếu bác mấy kiểu ảnh này chứ bác không phải trả tiền đâu ạ!

Đại tướng nhận ảnh, nhắc lại câu nói đùa hôm trước. Ông nhìn hai chúng tôi và gật đầu, nở nụ cười đôn hậu.

Cuối buổi gặp gỡ, anh em trong đoàn cán bộ Cục Tuyên huấn xin được chụp ảnh với Đại tướng. Với thái độ cởi mở, Đại tướng quay sang hỏi tôi:

- Lại chụp ảnh nữa à? Được, các đồng chí đứng gần lại đây!

Vốn từng làm báo từ thời còn trẻ, Đại tướng rất kinh nghiệm trong bố cục chụp ảnh kỷ niệm với các đoàn đại biểu mỗi khi đến thăm. Ông cũng tâm lý để cho ai cũng có điều kiện được chụp ảnh với mình một kiểu thật đẹp nên những năm còn khoẻ, ông cứ để khách chụp thoải mái theo nhu cầu. 

Tôi vinh dự nhiều lần được làm việc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sống mãi trong lòng các thế hệ quân đội và nhân dân ta. Ảnh tư liệu.

Giữa năm 2006, đoàn đại biểu của Hội doanh nghiệp, doanh nhân Cựu chiến binh từ TP Hồ Chí Minh ra thăm Đại tướng. Tôi và mấy phóng viên Báo Quân đội nhân dân được mời đi cùng đoàn. Sau khi nghe báo cáo về công việc kinh doanh làm ăn phát đạt của những người từ quân ngũ trở về tham gia mặt trận kinh tế, Đại tướng rất vui. Ông động viên anh em:

- Như vậy là các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả trên hai mặt trận, bây giờ khẳng định mình trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Nhưng tôi hỏi anh em, sản xuất kinh doanh tốt thế, có ai trốn thuế không đấy? 

Mấy doanh nhân cựu chiến binh ngỡ ngàng giây lát rồi trả lời:

- Báo cáo Đại tướng, anh em làm kinh tế nhưng chấp hành rất nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước quy định, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước đầy đủ ạ!

Đại tướng cười và nói tiếp:

- Nộp thuế là nghĩa vụ của mọi công dân, nhất là đối tượng sản xuất kinh doanh. Đó là thể hiện lòng yêu nước, là trách nhiệm xây dựng Tổ quốc. Các đồng chí phải luôn luôn phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận mới đó...

Tháng 8 này, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng, tôi lại nhớ tới Đại tướng với những lần vinh dự được trực tiếp gặp gỡ và làm việc cùng. Ông đã về với thế giới người hiền nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng các thế hệ quân đội và nhân dân ta.

BÙI ĐỨC TOÀN

Nhận xét