TÍNH NHÂN VĂN CAO CẢ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

                                                                                                                               NN2021

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ông từng là một giáo viên dạy sử tại Trường Tư thục Thăng Long, là nhà báo (sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng).

Ông sớm bộc lộ tinh thần yêu nước của mình, từng tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản. Vì những hoạt động của mình, Ông nhiều lần bị quân địch bắt giam nhưng rồi cuối cùng vẫn được trả tự do. Năm 1940, Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 12/1944, Ông được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bằng tài năng, sự nhạy bén của mình, Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh, tiêu biểu là đánh thắng hai trận ở Phai Khắt, Nà Ngần. Với tài thao lược của mình Ông đã chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến lên, trở thành đội quân cách mạng với lối đánh du kích, đánh tan nhiều thế trận của kẻ thù với tư tưởng quân sự nổi tiếng: Chiến tranh Nhân dân.

Trong tài thao lược quân sự của Ông có một sự nổi bật lên được tất cả biết đến và ngưỡng mộ đó là tính nhân văn cao cả. Từng trận đánh lớn nhỏ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều suy nghĩ, cân nhắc, tính toán rất kỹ. Ông đều dự đoán mọi tình huống và mọi giải pháp, thậm chí tính tới sự hy sinh của từng chiến sĩ, từng mũi tiến công để làm sao giảm sự hy sinh thấp nhất, nhưng mục tiêu cuối cùng dứt khoát phải chiến thắng. Ông là vị tướng cầm quân mang trong mình một cái gốc văn hóa nhân văn cao cả được nhân dân và bộ đội kính trọng, yêu thương và coi là vị tướng của Nhân dân. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin nêu ra một minh chứng hùng hồn về tính nhân văn cao cả trong con người Ông, đó là trận đánh ở Điện Biên Phủ.

Ban đầu, Ông đưa ra theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng sau khi khảo sát thực địa, nắm lại tình hình địch và thực lực của quân ta, Ông nhận thấy điều kiện chưa cho phép, nếu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì tổn thất vô cùng lớn, quân ta sẽ bị hy sinh rất nhiều và chưa chắc đã giành được chiến thắng. Để chắc thắng và giảm sự hy sinh thấp nhất nhưng vẫn chiến thắng, Ông đã quyết định chuyển từ phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Với phương án này, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch phải lùi lại, nhưng sự hy sinh giảm và tiến đến chiến thắng hoàn toàn. Đây thực sự là một quyết định có bước ngoặt lịch sử đối với toàn dân tộc, đem lại niềm tin, nguồn sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn cho quân và dân ta, bảo đảm chiến dịch đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tính nhân văn nhân đạo cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua trận Điện Biên Phủ càng thấy rõ hơn Ông chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với ý chí quyết tâm cao và một tinh thần nhân văn cao cả; tất cả mọi suy nghĩ và hành động đều vì dân, vì nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần học tập theo tấm gương của Ông, học tập tính nhân văn cao cả, yêu thương con người. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đại dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp thì tinh thần nhân văn cao cả của Ông lại càng cần được phát huy; mỗi người dân cần có sự yêu thương đùm bọc, đoàn kết giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong hoạn nạn để chiến thắng đại dịch COVID-19.

 

Nhận xét