TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH VIỆT NAM BỎ QUA CHẾ ĐỘ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA LÀ HỢP QUY LUẬT PHÁT TRIỂN CỦA LỊCH SỬ

 

Gió biển

Lịch sử phát triển của xã hội loài người trải qua các hình thái kinh tế - xã hội nối tiếp nhau. Với phương pháp tiếp cận khoa học, Mác đã phát hiện ra các quy luật vận động, phát triển khách quan của xã hội loài người với luận điểm nổi tiếng: “Sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Sự vận động, phát triển của xã hội là tuân theo các quy luật khách quan, chứ không phải theo ý chí chủ quan của con người. Điều này được V.I.Lênin khẳng định: “Mác coi sự vận động xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên, chịu sự chi phối của những quy luật không những không phụ thuộc vào ý chí, ý thức và ý định của con người mà trái lại, còn quyết định ý chí, ý thức và ý định của con người”.

Sự vận động, phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội tuân theo quy luật phổ biến đó là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Đây là hai quy luật chung chi phối trong suốt tiến trình lịch sử phát triển của xã hội. Sự tác động của hai quy luật này làm cho các hình thái kinh tế - xã hội phát triển thay thế nhau từ thấp đến cao, đó là con đường phát triển chung của lịch sử xã hội loài người.

Tuy nhiên, con đường phát triển của mỗi dân tộc không chỉ bị chi phối bởi các điều kiện phát triển cụ thể của mỗi dân tộc, như về điều kiện tự nhiên, về chính trị, về truyền thống văn hóa, về tác động quốc tế,... Vì vậy, lịch sử phát triển của xã hội loài người còn tuân theo những quy luật đặc thù, rất phong phú, đa dạng. Điều này được V.I. Lênin khẳng định: “Tính quy luật chung của sự phát triển trong lịch sử toàn thế giới đã không loại trừ mà trái lại, còn bao hàm một số giai đoạn phát triển mang những đặc điểm hoặc về hình thức, hoặc về trình tự của sự phát triển đó”. Tính đặc thù trong lịch sử phát triển xã hội loài người thể hiện ở hai điểm: 1. Cùng một hình thái kinh tế - xã hội nhưng ở các nước khác nhau có những hình thức cụ thể; 2. Có những dân tộc lần lượt trải qua tất cả các hình thái kinh tế - xã hội tuần tự từ thấp đến cao, nhưng cũng có những dân tộc bỏ qua một hay một số hình thái kinh tế - xã hội nào đó. Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã diễn ra như vậy. Việc bỏ qua đó là tuân theo quá trình lịch sử - tự nhiên, chứ không phải theo ý muốn chủ quan. V.I.Lênin đã phát triển sáng tạo lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội khi chỉ ra hai con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội: 1. Quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội. Đây là con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội đối với các nước tư bản chủ nghĩa; 2. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội thông qua nhiều khâu trung gian, nhiều bước quá độ. Đây là con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội đối với các nước lạc hậu, kinh tế kém phát triển.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay từ Chánh cương vắn tắt, được thông qua tại Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng đã xác định làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Đến Cương lĩnh năm 1991, Đảng xác định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội và đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”; “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

 

 

Nhận xét