NHẬN DIỆN VỀ CÁI GỌI LÀ “TỰ DO BÁO CHÍ”

Văn Hóa

Những ngày vừa qua, lợi dụng sự kiện ngày Tự do báo chí thế giới (3/5), Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), một số cá nhân, tổ chức, phương tiện truyền thông có tư tưởng phản động, cơ hội chính trị như Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ngôi nhà tự do (Freedom House), Đài Á châu tự do (RFA)... lại ra sức tung hô đăng đàn những bài viết, hình ảnh xuyên tạc Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Các thế lực này đã vu cáo Việt Nam đàn áp, bắt, xử lý các nhà báo vi phạm pháp luật và đạo đức người làm báo trong thời gian qua như một số cái tên trong “Hội nhà báo độc lập”: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn... Chưa hết, một số tổ chức còn tiến hành trao “giải thưởng tự do báo chí” cho một số “nhà báo” vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo, điển hình như Trương Duy Nhất, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng…

Để hiểu bản chất của vấn đề cần nhận thấy, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn là những thành viên trong tổ chức tự xưng có tên “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” (được thành lập vào năm 2014 với mục tiêu đấu tranh, làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam); các đối tượng trên đã có nhiều bài viết với nội dung tuyên truyền, bôi nhọ chính quyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ngày 05/01/2021 Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt tại phiên tòa sơ thẩm đối với Phạm Chí Dũng 15 năm tù giam, 3 năm quản chế tại địa phương; Nguyễn Tường Thụy 11 năm tù giam, 3 năm quản chế tại địa phương; Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù giam, 3 năm quản chế cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là đúng với quy định của pháp luật Việt Nam đối với những kẻ phản bội Tổ quốc.

Mặt khác, cần nhận thấy Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mọi công dân. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Quy định này cũng được thể chế trong nhiều văn bản pháp luật Việt Nam, như Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017; Luật Báo chí năm 2016... Đồng thời, để giữ gìn kỷ cương và bảo đảm sự ổn định để phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép lợi dụng những quyền này để tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam khuyến khích tự do báo chí vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân và không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để gây mất ổn định, chống lại Tổ quốc và dân tộc, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, xâm phạm lợi ích của công dân. 

Nhận xét