Chuyển đến nội dung chính

Không để dịch bệnh cản bước

 

QĐND - Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19. Biện pháp phòng, chống dịch liên tục được địa phương tăng cường.

Vì vậy, công trường thi công dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã "nội bất xuất, ngoại bất nhập" từ gần một tháng nay. Rất nhiều người lao động (NLĐ) vẫn kiên trì bám trụ công trường, làm việc không kể ngày đêm, không vì dịch bệnh mà chậm tiến độ.

Gói thầu 1B nơi tôi đang làm việc hiện có 42 cán bộ, kỹ sư, công nhân, được chia thành 2 nhóm, 12 người làm công tác văn phòng và 30 người trực tiếp thi công. Cho đến nay, gói thầu của chúng tôi chưa ngày nào dừng thi công vì có các trường hợp F1, F2 liên quan đến ca nhiễm Covid-19. Để bảo đảm không bị phong tỏa hay tạm dừng công việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, tất cả nhân lực tham gia gói thầu đều tuân thủ nghiêm nguyên tắc không tiếp xúc với người ngoài. Hết giờ làm việc, mọi người trở về khu vực nhà điều hành. Mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ đều không rời khỏi phạm vi công trường.

Đã trở thành thói quen, NLĐ trên công trường trước khi bắt đầu ca làm việc, điều đầu tiên cần nhớ là phải kiểm tra thân nhiệt. Chúng tôi đã chuẩn bị khu vực riêng đề phòng trường hợp có người thân nhiệt tăng cao bất thường, vừa giúp NLĐ có điều kiện nghỉ ngơi nếu không may bị ốm, sốt vừa tránh ảnh hưởng đến những người khác. Khẩu trang luôn thường trực, quần áo bảo hộ lao động đầy đủ, mỗi người chúng tôi thấy yên tâm hơn và sẵn sàng bước vào một ngày làm việc mới.

Gần 18 giờ, tốp công nhân làm ca đêm chuẩn bị bắt tay vào việc. Công trường tổ chức thi công 3 ca liên tục để bảo đảm tiến độ. Trời dần về đêm nhưng tiếng lu, máy vẫn rền vang. Phạm vi gói thầu 1B dài 3km, hiện đang tập trung thi công nền đường, rải lớp vật liệu cấp phối đá dăm. 30 công nhân chia làm 3 kíp thay phiên nhau triển khai từng công đoạn, rải vật liệu rồi lu lèn. Từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các loại phương tiện cũng không được ra vào công trường nữa vì thế phụ thuộc hoàn toàn vào vật liệu tại chỗ. Một điểm thuận lợi cho chúng tôi là vật liệu xây dựng đã được tập kết từ trước. Đồng thời, việc dỡ tải cũng được tiến hành khẩn trương, sử dụng luôn nguồn vật liệu đó để đắp nền, nhờ vậy cũng giúp đẩy nhanh tiến độ thi công.

Để bảo đảm sức khỏe, những người làm ca đêm có thêm khẩu phần ăn đêm. NLĐ trên công trường cũng được chi trả tiền ăn và các loại sinh hoạt phí, làm tăng ca được bảo đảm phụ cấp đầy đủ. Các anh em bám trụ với công trường hiện nay đều là những kỹ sư, công nhân lành nghề, có nhiều năm tham gia các dự án xây dựng công trình giao thông. Chúng tôi đến từ nhiều địa phương, có người ở Phú Yên, người thì Nghệ An, Thanh Hóa... Cuộc sống xa nhà đã trở thành một phần đặc thù của công việc. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, dù gần một tháng không về thăm gia đình nhưng với áp lực công việc hiện tại cũng chẳng có thời gian để mà nhớ nhà.

Ngày nào tôi cũng đi dọc tuyến trong phạm vi gói thầu mình phụ trách. Nhìn thấy con đường dần định hình tiếp thêm động lực để mỗi chúng tôi nỗ lực, phấn đấu cao hơn. Chúng tôi luôn xác định tâm lý "sống chung với dịch bệnh", trong công việc hằng ngày đều hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Để giám sát thi công, các chỉ huy công trường ghi lại hình ảnh thực tế, báo cáo về người phụ trách và ban điều hành dự án. Ở chiều ngược lại, chúng tôi nhận "lệnh" từ ban điều hành qua điện thoại, email và các công cụ trực tuyến khác. Dù không tiếp xúc nhưng mọi công việc đều được tiến hành trôi chảy. Theo kế hoạch, tháng 10-2021 gói thầu 1B sẽ hoàn thành, đáp ứng tiến độ chung thông xe kỹ thuật của dự án. Tuyến đường này là niềm mong mỏi bấy lâu của người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tăng kết nối, giao thương từ TP Hồ Chí Minh về Tiền Giang và tiếp nối đến Cần Thơ, Cà Mau. Dù có những khó khăn, thách thức do hoàn cảnh khách quan nhưng chúng tôi đang nỗ lực bằng mọi giải pháp để đưa dự án "về đích" đúng hẹn.

DƯƠNG ĐÌNH MẠNH 

Nhận xét