Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁC KỲ ĐẠI HỘI CỦA ĐẢNG

Phạm Trung

Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước, của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp diễn ra là dịp để chúng ta nhìn nhận lại ý nghĩa lịch sử của các kỳ đại hội.

Tháng 03 năm 1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng được tiến hành đánh dấu thắng lợi của cuộc đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng trong cả nước, chuẩn bị điều kiện cho Đảng bước vào thời kỳ đấu tranh mới.

Tháng 02 năm 1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã nhất trí thông qua Chính cương, Điều lệ của Đảng và Nghị quyết đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng lao động Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Đảng về mọi mặt và sự đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng của nước ta.

Tháng 9 năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.

Tháng 12 năm 1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng là Đại hội thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tháng 03 năm 1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V đề ra hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng của nước ta trong giai đoạn mới là: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Tháng 6 năm 1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng ta. Quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được nêu ra trong Cương lĩnh. Cương lĩnh khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tháng 6, 7 năm 1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã tổng kết 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII. Đại hội khẳng định: Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ cơ bản đã hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tháng 4 năm 2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đã nhìn lại thế kỷ XX, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới. Đại hội đã phân tích triển vọng đất nước trong thế kỷ XXI, xác định rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, xác định rõ khái niệm, nguồn gốc, nội dung, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tháng 4 năm 2006, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: Công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đại hội xác định rõ hơn quan niệm về xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta xây dựng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tháng 01 năm 2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Thông qua đó, Đảng ta xác định rõ hơn các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, xác định rõ hơn phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, xác định cần nắm vững và giải quyết tốt tám mối quan hệ lớn. Đại hội khẳng định rõ hơn bản chất của Đảng, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh. Khẳng định đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Tháng 01 năm 2016, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đánh giá kết quả và rút ra bài học kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới. Trên cơ sở những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Hệ thống lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của các kỳ đại hội Đảng để nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25 tháng 01 đến ngày 02 tháng 02 năm 2021. Đây cũng sẽ sự kiện chính trị trọng đại, có tầm quan trọng đặc biệt và có ý nghĩa lịch sử to lớn. Cả nước đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của Đảng để tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.


Nhận xét