“V.I.LÊNIN ĐỂ LẠI DI SẢN TÀN PHÁ” – LUẬN ĐIỂM LỐ BỊCH CỦA ĐỖ NGÀ

Thời gian vừa qua trên trang mạng xã hội, có bài viết: “Lênin và di dản tàn phá mà ông ta để lại”. Nội dung thể hiện trong bài viết thiếu khách quan, sai sự thật nên cần bác bỏ, làm rõ sự thật và khẳng định một số vấn đề đúng đắn sau:

V.I. Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Với những cống hiến của V.I.Lênin, chủ nghĩa Mác đã phát triển thành chủ nghĩa Mác – Lênin, là chủ nghĩa thể hiện trọn vẹn sự thống nhất giữa tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn của những người đã sáng lập, bảo vệ và phát triển nó.

V.I.Lênin không chỉ quan tâm đến vận mệnh của nước Nga, mà còn luôn quan tâm sâu sắc đến vận mệnh của các dân tộc thuộc địa. V.I.Lênin đã xác định đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản; đồng thời vạch ra những vấn đề có tính nguyên tắc của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

V.I.Lênin vận dụng sáng tạo, kế tục xuất sắc sự nghiệp giải phóng con người của C.Mác, Ph.Ăngghen vào thực tiễn nước Nga. V.I.Lênin đã lãnh đạo  Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 giành thắng lợi. Cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin là đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực, tạo ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử, mở ra một thời đại mới cho nhân loại – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. V.I.Lênin là người đề xướng cải cách chủ nghĩa xã hội với “Chính sách kinh tế mới” (NEP). Người thực thi chính sách kinh tế mới thay thế “chính sách cộng sản thời chiến” vào đúng lúc cần thiết. Nhờ đó đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, trong tình cảnh nước Nga Xô Viết non trẻ vừa mới ra đời đã bị 14 nước tư bản đế quốc bao vây hòng bóp chết chủ nghĩa xã hội mới chỉ như một mầm non mới nhú, đã làm cho chính quyền Xô Viết đứng vững và nước Nga xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hồi sinh. V.I.Lênin chỉ có thực tiễn bảy năm xây dựng chủ nghĩa xã hội (1917 – 1924), Ông mất vào năm 1924 khi mới 54 tuổi, nhưng những di sản mà ông để lại cho hậu thế là vô cùng quan trọng, quý giá và trường tồn.

Sự sụp đổ CNXH ở Đông Âu và Liên Xô (cũ) không phải là di sản tàn phá của V.I.Lênin. Đây là sự sụp đổ mô hình cụ thể do sai lầm chủ quan với những nguyên nhân sâu xa, trực tiếp của một số đảng cộng sản. Một là, trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã nhận thức không đúng bản chất các nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lênin, và không vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của mỗi nước. Hai là, khi tiến hành công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới thì tiếp tục mắc phải những sai lầm không kiên trì, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin để định ra đường lối chính trị cho đúng đắn và cùng với sai lầm về công tác cán bộ, quan liêu xa rời quần chúng. Ba là, nội bộ các đảng cộng sản không giữ gìn được đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế… Bốn là, chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là đế quốc Mỹ đã thay đổi chiến lược, âm mưu, thủ đoạn mới rất tinh vi, thâm độc để chống phá các nước XHCN bằng “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để góp phần làm suy yếu từ bên trong dẫn đến sụp đổ ở các nước XHCN Đông Âu, Liên Xô (cũ)…

Thực tế ở Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Sinh thời Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm Đường cách mệnh (1927), khẳng định rằng: “Chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất, triệt để mau mắn thắng lợi nhất” là chủ nghĩa Lênin (Mác – Lênin). Từ đó Người tin theo V.I.Lênin, tìm ra con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc – con đường cách mạng vô sản để tiến tới chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ Đại hội VI (12-1986) đến nay Đảng ta luôn khẳng định: Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam. Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện…

Thực chất những quan điểm phủ nhận di sản của V.I.Lênin lợi dụng sự kiện sụp đổ CNXH ở Đông Âu và Liên Xô là lố bịch. Đây là chiêu trò không mới, thực chất các luận điểm sai trái muốn hạ bệ, phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin. Những luận điểm đó đã sai lầm cả về lý luận, về thực tiễn, nhằm mục đích chính trị là muốn phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời điểm chuẩn bị diễn ra Hội nghị Trung ương 15 và tiến tới Đại hội XIII của Đảng, hoàn toàn tin tưởng rằng nhân dân ta càng cảm nhận giá trị những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin, sức sống trường tồn trong thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Không một thế lực nào ngăn cản được con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng ta luôn kiên định và thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./. 

Nhận xét