SỰ THẬT VỀ QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

Gần đây, các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc, phê phán Việt Nam không có tự do ngôn luận, báo chí, công kích các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến lợi dụng tự do báo chí để tuyên truyền chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trên Internet và các trang mạng xã hội.

Đặc biệt là bài viết của Nguyễn Hùng với tiêu đề “Đội bóng 5,4 triệu cầu thủ nhưng chỉ có một sân”. Nội dung bài viết là những luận điệu quy chụp, thiếu khách quan, ngụy biện, với ý đồ đen tối nhằm vu cáo về quyền tự do báo chí ở Việt Nam và cho rằng: “Đảng bảo im là báo chí im”… Vậy thực chất quyền tự do báo chí ở Việt Nam như thế nào?

Trái ngược với luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo của các thế lực thù địch bởi miệng lưỡi không xương của chúng. Trên thực tế, là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 đã hiến định tại Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Đảng ta đã sớm nhận định quyền tự do báo chí là yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của đất nước. Do đó, sự phát triển của báo chí Việt Nam ngày nay cho thấy những quyền nói trên đã được bảo đảm không chỉ bằng luật pháp mà còn trong thực tế. Đến nay, Việt Nam có trên 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động, 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình với hơn 75 kênh truyền hình nước ngoài, cung cấp đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg…

Theo thống kế, hiện có hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua Internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận thông tin của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới. Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực, đặc biệt là Facebook. Theo cơ quan thống kê của Facebook, hiện tại Việt Nam có khoảng 35 triệu người, bằng 1/3 dân số, sở hữu tài khoản Facebook, trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua các thiết bị di động. Một số cơ quan quốc tế về Internet đánh giá Việt Nam hiện là quốc gia có lượng người dùng Internet lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á.

Như vậy, sự thật về quyền tự do báo chí tại Việt Nam là không thể phủ nhận, xuyên tạc. Đặc biệt, hiện nay trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích báo giới tham gia và hơn nữa còn xem đây là một lực lượng chống tham nhũng có hiệu quả cao, nhiều vụ việc tham nhũng gần đây bị điều tra, xử lý có phần đóng góp quan trọng do báo giới phát hiện, điển hình như vụ Vinashin, vụ PMU 18, vụ Trịnh Xuân Thanh…

Do đó, những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng dân chủ, tự do báo chí để xâm hại đến lợi ích Nhà nước xã hội chủ nghĩa cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mà phải luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, kiên quyết vạch trần, kịp thời bác bỏ mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị cố tình lợi dụng tự do báo chí nhằm đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc, tác động tiêu cực dư luận xã hội, xâm hại an ninh truyền thông quốc gia, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam./.

Nhận xét