VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐỐI VỚI SƯ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

Ngọc Bảo

Trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, con người đối với sự phát triển như sau:

Thứ nhất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Luận điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội được nêu ra từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (1993), và sau đó được các văn kiện của các Đại hội tiếp theo tiếp tục phát triển và khẳng định. Khái niệm “nền tảng” tinh thần được hiểu là không gian tinh thần của cộng đồng, bầu không khí tinh thần, khí thế của đông đảo quần chúng nhân dân và của cộng đồng dân tộc, hệ tư tưởng tình cảm, niềm tin, khát vọng của con người, các quan niệm đạo lý, pháp lý đạt chuẩn mực chân, thiện, mỹ... Vai trò nền tảng tinh thần cùa xã hội của văn hóa chính là sức mạnh của hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam trong hiện tại và trong quá khứ. Truyền thống của nền văn hóa dân tộc (hữu hình và vô hình) được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi xã hội của con người.

Trong lịch sử của dân tộc ta, vai trò của văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội (văn hiến) có tác động to lớn đối với cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế - xã hội (như hào khí Đông A thời đại nhà Trần, tinh thần đánh giặc ngoại xâm của nghĩa quân Lam Sơn với sự xuất hiện nhà Lê, tinh thần quyết chiến, thần tốc đại phá quân Thanh của Quang Trung Nguyễn Huệ...)

Thứ hai, văn hóa là mục tiêu của sự phát triển

Bản chất của văn hóa là sáng tạo vươn lên các giá trị chân, thiện, mỹ cao đẹp, tạo nên tinh thần nhân văn cho con người, đem hạnh phúc đến cho mỗi con người và toàn nhân loại. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nhằm giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, đem hạnh phúc đến cho con người. Cho nên, một nền văn hóa đạt trình độ cao (chân, thiện, mỹ) chính là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội, là điều mà quá trình phát triển của nhân loại hướng tới.

Trong nhiều thập niên của thế kỷ XX, trên thế giới, không ít lý thuyết đã quan niệm tăng trưởng kinh tế là mục tiêu duy nhất của phát triển. Đó là một quan niệm phiến diện, cần thay đổi một cách cơ bản quan niệm về mục tiêu phát triển. Xét đến cùng mục tiêu đó phải là văn hóa, là nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, với bảo đảm sao cho kết hợp hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa mức sống cao và lối sống đẹp, không chỉ cho một số ít người mà cho đại đa số, không chỉ cho thế hệ hiện nay mà còn cho các thế hệ mai sau. Cương lĩnh 1991 đã chỉ ra sáu mục tiêu của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng lãnh đạo nhân dân ta xây dựng, đó là:

“- Do nhân dân lao động làm chủ.

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc.

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”[1].

Trong đó, văn hóa là một thành tố, một mục tiêu của xã hội ấy. Văn hóa với tư cách là đời sống tinh thần xã hội - một mục tiêu đặc biệt quan trọng, vì nó là nhu cầu vô cùng, vô tận, tinh tế của con người. Nhu cầu vật chất, nhu cầu kinh tế dù to lớn đến mấy cũng có giới hạn, nhu cầu tinh thần là vô hạn. Đồng thời, nhu cầu tinh thần còn là nhu cầu cao đẹp và là cứu cánh của con người.

Khi coi văn hóa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội cũng có nghĩa là toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội phải hướng tới phát triển con người, phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của xã hội theo tiêu chí phát triển mới HDI (mức sống, tuổi thọ bình quân và trình độ học vấn). Phải đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển (kết hợp sử dụng nguồn nhân lực với sử dụng mọi nguồn lực khác...). Là mục tiêu của phát triển, văn hóa thể hiện “trình độ được vun trồng” ngày càng đầy đủ, ngày càng toàn diện của con người về thể lực, trí lực và nhân cách để mỗi người (và cộng đồng xã hội) được hưởng một cuộc sống ngày càng tiến bộ, dân chủ, văn minh hơn. Và như vậy, mục tiêu của phát triển phải được nhìn nhận như là một tiến trình giải phóng con người, phát huy nguồn lực con người. Quan niệm về mục tiêu phát triển như vậy phù hợp với khát vọng lâu đời của nhân loại tiến bộ. Đó cũng là lý tưởng, là mục đích phấn đấu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Mục tiêu phấn đấu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” là định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng chính là mục tiêu của văn hóa, nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này.

Thứ ba, văn hóa, con người là động lực, là sức mạnh nội sinh đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước

Trong những thế kỷ trước, để phát triển kinh tế người ta thường nhấn mạnh đến việc khai thác các yếu tố lao động và đất đai. Adam Smith nói: “Đất là mẹ, lao động là cha”, nếu biết kết hợp lao động và đất đai thì của cải sẽ sinh sôi, nảy nở. Ngày nay, trong điều kiện của các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, yếu tố quyết định cho sự phát triển chính là trí tuệ, tri thức, thông tin, là sáng tạo và đổi mới không ngừng nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các cá nhân và cộng đồng. Trong thời đại ngày nay, nguồn gốc của sự giàu có không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, vốn, kỹ thuật mà yếu tố ngày càng có ý nghĩa quan trọng và quyết định là nguồn lực con người, là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm lực sáng tạo này nằm trong văn hóa, trong trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, lối sống, thị hiếu thẩm mỹ, ý chí, nghị lực và sự thành thạo, tài năng của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Trên thế giới, không ít quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp nhưng lại có kinh tế rất phát triển, xã hội văn minh chính là nhờ coi trọng việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhân tài, thực sự đề cao vai trò động lực văn hóa trong phát triển. Đảng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, chính là coi trọng nguồn lực văn hóa, động lực văn hóa của sự phát triển đất nước. Hệ thống di sản văn hóa, các giá trị văn hóa là nguồn vốn văn hóa to lớn của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã nhấn mạnh văn hóa, con người Việt Nam là sức mạnh nội sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Trong Nghị quyết Hội nghị lần này, Đảng ta khẳng định tầm quan trọng ngang nhau của văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội trong quá trình phát triển đất nước. Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ỉà nền văn hóa thống nhất trong đa dạng với các đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trong xây dựng văn hóa phải lấy việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp làm cốt lõi, trọng tâm với các đặc tính cơ bản là: trung thực, trí tuệ, nhân văn, tự chủ, sáng tạo. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng; là sự nghiệp cách mạng lâu dài cần được tiến hành tích cực, sáng tạo và kiên trì.

Khi mọi giá trị văn hóa (các giá trị chân, thiện, mỹ) thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, thấm vào tất cả các lĩnh vực và hoạt động sáng tạo của con người như: văn hóa trong sản xuất và kinh doanh, văn hóa trong quản lý, văn hóa trong giao tiếp, văn hóa trong lối sống, văn hóa trong sinh hoạt gia đình, văn hóa trong đời sống cá nhân và trong đời sống xã hội, văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế... thì văn hóa sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển. Khi hàm lượng trí tuệ, hàm lượng tri thức, hàm lượng cảm xúc chân chính trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống con người và xã hội càng tăng cao bao nhiêu thì sự phát triển kinh tế - xã hội càng nhanh chóng trở thành hiện thực tốt đẹp bấy nhiêu.

Thực tiễn cuộc sống phong phú ở nước ta thời kỳ đối mới vừa qua đã minh chứng rõ ràng; văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh của phát triển; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững với sự tăng trưởng cao về kinh tế, về cơ sở vật chất và công nghệ gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội hướng tới phát triển văn hóa và phát triển toàn diện con người.

Khi thực hiện mục tiêu tất cả vì sự phát triển toàn diện và bền vững, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến văn hóa và phát triển, cần nâng cao nhận thức đúng đắn cho cộng đồng về vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, con người đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng cho các lĩnh vực văn hóa cần thiết như: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học nghệ thuật, các lĩnh vực truyền thông đại chúng (đặc biệt là phát thanh, truyền hình, Internet, báo in, báo điện tử, xuất bản sách), đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài nước, tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa hướng tới sự phát triển. Phải coi đầu tư cho văn hóa, con người chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai tươi sáng, bền vững của dân tộc.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 8 - 9. 

Nhận xét