“TRUYỀN THÔNG ĐEN” HÃY CÒN “AQ” ĐẾN BAO GIỜ!!!

 Đọc bài viết: “Truyền thông “đỏ” khó… khá” của Trần Văn được đăng trên mạng xã hội có nội dung đầy “mùi” phản động, dựa trên cách dẫn dắt, cách nói bao biện cho “truyền thông đen”. Người viết bài này sao giống y một nhân vật AQ trong “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn – luôn tự an ủi thất bại của mình trước sự thắng lợi của “Truyền thông đỏ”. “Lạc quan” là tốt nhưng cực đoan như tác giả là sự thể hiện trạng thái tâm lý thất bại trước làn sóng truyền thông chính thống của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta hiện nay.

          Thật nực cười khi nhận xét về truyền thông của Việt Nam với cái ảo giác “thắng lợi” của Trần Văn: “Thế thì bao giờ truyền thông đỏ mới… khá, lúc nào mới thu hút, thuyết phục được đám đông”. Qua đó, cho thấy sự ngô nghê, kém hiểu biết, không thấy được vai trò của truyền thông Việt Nam cả trong kháng chiến cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới đất nước hiện nay.

          Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, truyền thông (qua báo chí Việt Nam) đã thực sự là một “binh chủng” quan trọng, động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược. Những bản tin, bài báo, bức ảnh, phóng sự thu thanh từ các chiến trường được đăng trên các báo: Thanh niên, Lao Nông, Tuần báo tin tức, Việt Nam độc lập, Nhân dân, Quân đội nhân dân… thực sự là nguồn động viên to lớn và lời hiệu triệu toàn thể dân tộc Việt Nam đánh giặc cứu nước, giải phóng dân tộc.       Trong thời kỳ đổi mới, truyền thông Việt Nam đi đầu là lĩnh vực báo chí với những bài báo khai phá mở đường, đổi mới tư duy, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc xã hội, tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền thông Việt Nam đã phát triển đa dạng về các loại hình, phương tiện. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực báo chí có 36 nghìn người đang làm việc, gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ và hơn 22 nghìn hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Báo chí cách mạng thực sự là đội quân cách mạng trên mặt trận truyền thông, là lực lượng hùng hậu xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hoá của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tạo nên dòng chủ lưu chính trị, tư tưởng chủ đạo, đập tan những quan điểm sai trái, phản động, thù địch.

          Ngược lại, “truyền thông đen ở đâu?” đã làm được gì cho đất nước, trong những lúc thiên tai, địch hoạ thì những nhà truyền thông dởm làm gì? Các cụ đã nói: “Cháy nhà mới ra mặt chuột” – “truyền thông đen” chính là công cụ của những kẻ bán nước chỉ giỏi lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân. “Truyền thông đen”, còn lớn tiếng “chê bai báo Quân đội nhân dân khó khá” – đúng thật là một suy nghĩ ấu trĩ, ngu ngơ không thể chấp nhận được.

          Báo Quân đội nhân dân là một trong những tờ báo cách mạng ra đời cách đây 70 năm, có sức mạnh như một binh đoàn chủ lực trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Tờ báo có vị trí quan trọng hàng đầu của đất nước trong việc tuyên truyền thực hiện đường lối, quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Báo Quân đội nhân dân đã phát hành rộng rãi trong toàn xã hội, với bốn ấn phẩm: Báo Quân đội nhân dân hằng ngày, Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, Nguyệt san Sự kiện và nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân điện tử đa ngôn ngữ, đa loại hình, được chuyển tải trên đa nền tảng số.

          Hiện nay, Báo Quân đội nhân dân cùng với những tờ báo cách mạng khác đã là những người bạn thân thiết, thu hút sự theo dõi của toàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Không cần phải hỏi và đặt vấn đề ngược lại, thì Báo Quân đội nhân dân và báo chí cách mạng Việt Nam vẫn luôn thu hút được sự theo dõi của đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế. “Truyền thông đen” tất yếu sẽ bị lu mờ trong quần chúng nhân dân và bộc lộ rõ bản chất công cụ truyền thông của những kẻ chống đối và thù địch đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.

Nhận xét