QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM ĐƯỢC GHI NHẬN MINH BẠCH, ĐỒNG THỜI ĐƯỢC BẢO VỆ BỞI PHÁP LUẬT CỦA VIỆT NAM

 

HT

Quan điểm này được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người”. Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật mới được ban hành và sửa đổi. Khẳng định rõ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật.

Mặc dù luôn nhấn mạnh “quyền bẩm sinh” thuộc sở hữu vốn có của con người, nhưng ngày nay, ở các nước tư bản cũng như ở mọi quốc gia, quyền con người đều được ghi nhận và bảo vệ bằng các hình thức pháp luật khác nhau. Thực tiễn Việt Nam và các nước trên thế giới cho thấy đảm bảo bằng pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để quyền con người được thực hiện.Những tư tưởng lớn, những khám phá mới về quyền con người chỉ là không tưởng hoặc mị dân nếu không được biểu hiện dưới hình thức pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Nói cách khác, mọi nhu cầu hay yêu sách về quyền nếu không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thì không thể có bất cứ một quyền con người nào. C.Mác luôn đề cao vai trò của pháp luật, coi pháp luật là “Kinh Thánh tự do” của nhân dân. Trường phái pháp luật thực định cũng luôn khẳng định: “không có luật thì không có quyền” quyền con người khi được pháp luật ghi nhận trở thành ý chí của toàn dân, buộc cả xã hội phải phục tùng và nhà nước bảo vệ.

Trên phạm vi thế giới, Quyền con người là vấn đề ưu tiên của Liên Hợp quốc và là nội dung cốt lõi của quan hệ quốc tế, quyền con người được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật quốc tế. Đó là sự hợp tác của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng các nguyên tắc, quy phạm và cơ chế thực thi, giám sát việc thực hiện nhân quyền. Các văn kiện nhân quyền quốc tế luôn nhấn mạnh rằng quyền con người phải được bảo vệ bằng Nhà nước pháp quyền, theo các nguyên tắc pháp quyền. Hội nghị Thượng đỉnh thế giới (2005) khẳng định rằng "những giá trị cơ bản chung của chúng ta gồm tự do, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng tất cả quyền con người... là cốt lõi của các quan hệ quốc tế".

Trong phạm vi quốc gia, pháp luật bảo vệ quyền con người thể hiện ở việc ghi nhận các quyền trong pháp luật, hoàn thiện bộ máy, các thiết chế,… nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người. Quan điểm này là cơ sở để chúng ta bác bỏ mặt phiến diện của thuyết nhân quyền tự nhiên; khẳng định vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ quyền con người. Trong thời kỳ mới, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật; củng cố các cơ quan tư pháp và cơ chế nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định: “Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”.

Như vậy, có thể thấy, vấn đề quyền con người và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam là một trong những vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta ghi nhận và bảo vệ quyền con người không chỉ trong Hiến pháp mà còn được quy định trong hệ thống pháp luật. Đặc biệt trong Chỉ thị 12/CT-TW về "Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta" đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này. Đảm bảo thực hiện tốt quyền con người ở Việt Nam cũng thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hôị chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng.

Những nội dung trên là cơ sở xác thực để mỗi tổ chức, cá nhân tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người. Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Kiên quyết làm thất bại âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam”.

 

Nhận xét