NÂNG CAO TÍNH CHỦ ĐỘNG TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

 

Cương Trực

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào nhằm chống phá Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Do đó, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp mà quan trọng hơn hết là nâng cao tính chủ động trong hoạt động đấu tranh, phản bác và bài trừ các quan điểm, luận điệu sai trái của chúng. 

Tính chủ động cần trước hết thể hiện trong nhận thức. Chúng ta phải chủ động đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Chỉ khi nào nhận thức rõ các vấn đề này thì người dân mới đề cao cảnh giác, không bị động, lúng túng trước sự xuyên tạc, chống phá, từ đó phát huy tốt ý thức, trách nhiệm xây dựng thế trận chủ động đấu tranh.

Cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để khẳng định tính cách mạng khoa học của mục tiêu lý tưởng, của đường lối, chủ trương, chính sách và những thành tựu của cách mạng. Kết quả của hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chính là cơ sở khoa học để chúng ta nâng cao tính thuyết phục trong phản bác các luận điệu xuyên tạc và những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Nâng cao tính chủ động của các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch. Tính chất phức tạp, cam go và quyết liệt của cuộc đấu tranh đòi hỏi phải huy động được sức mạnh tổng hợp. Điều này chỉ được tạo ra khi có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị với sự chủ động phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất.

Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng công tác theo dõi, thanh tra, kiểm tra, định hướng với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ bị móc nối, lôi kéo, để họ không tiếp tay cho kẻ xấu, không mắc mưu các thế lực thù địch. Sự chủ động trong quản lý, nắm bắt tình hình, phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm đấu tranh của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị chức năng cũng cần được quan tâm, chú trọng. 

Một điều quan trọng cần tập trung cao độ là sự chủ động trong rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích cực học tập nâng cao trình độ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân chúng ta. Việc đấu tranh hiệu quả phải trên cơ sở sự tự đấu tranh với chính thói hư, tật xấu trong mỗi con người. Có như vậy, chúng ta mới tự làm trong sạch bên trong bản thân, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thắng lợi của cuộc đấu tranh với các thế lực phản động bên ngoài.

 

Nhận xét