VĂN HOÁ GÓP PHẦN ĐƯA TIÊU CHÍ CHÂN, THIỆN, MỸ VÀO MỌI LĨNH VỰC XÃ HỘI


Ngọc Bảo
Toàn bộ lịch sử phát triển đời sống xã hội của con người nói chung và từng quốc gia dân tộc nói riêng, thực chất là lịch sử phát triển từ con người - động vật đến con người - văn hoá và ngày một văn hoá hơn. Đó là con đường tự nhiên và tất yếu mà con người và cộng đồng dù muốn hay không, dù nhận thức được hay chưa nhận thức được, cũng đều phải trải qua để xã hội phát triển bình thường. Điều làm cho tính cộng đồng của con người khác hẳn với tính bầy đàn của động vật ở chỗ: quá trình tập hợp thành bầy đàn của động vật chỉ nhằm duy trì sự tồn tại sinh học trước ngoại cảnh, còn quá trình tập hợp thành cộng đồng xã hội của con người chủ yếu nhằm làm biến đổi thế giới bằng hoạt động thực tiễn. Đó chính là văn hoá và chỉ được hiện thực hoá khi con người làm cho môi trường sống của mình trở thành môi trường văn hoá.

Sự hình thành, tồn tại và phát triển của các hình thức cộng đồng người trong lịch sử bao giờ cũng gắn liền với việc xác lập và thực hiện hệ thống các thang bậc giá trị văn hoá nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi của con người trong cộng đồng. Thang bậc giá trị văn hoá là sự chế định hoá các chuẩn chân, thiện, mỹ trong sự thống nhất hữu cơ của chúng, tạo nên ở mỗi cá nhân hay cộng đồng một định hướng chung thống nhất trong lựa chọn và thực hiện giá trị. Tuy nhiên, quá trình xác lập và thực hiện hệ thống này không hề diễn ra theo thể thức ban bố một cách áp đặt, mà hoàn toàn dưới tác động của môi trường văn hoá, tức là theo phương thức văn hoá hoá. Đời sống chung của xã hội luôn đòi hỏi việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng và theo nhiều phương thức khác nhau của từng cá nhân phải có sự lựa chọn tối ưu; mặt khác, việc từng thành viên đánh giá nhân cách văn hoá người khác vì lợi ích chung cho cộng đồng cũng phải dựa trên một hệ chuẩn mang tính phổ quát.
Với việc thực hiện các thang bậc giá trị, văn hoá đóng vai trò định hướng chủ yếu đối với nhu cầu đa dạng của mỗi cá nhân, thông qua việc xác định hệ quy chiếu cụ thể trong điều kiện cụ thể, đưa ra hình mẫu nhân cách văn hoá tiêu biểu và nhân điển hình trong cộng đồng văn hoá. Với việc xác lập hệ thống các thang bậc giá trị, văn hoá còn tạo điều kiện tổng thể để con người và cộng đồng sáng tạo văn hoá. Một trong những đặc trưng cơ bản của quá trình sáng tạo văn hoá là tính cá nhân, cá biệt trong động thái sáng tạo gắn với tính phổ quát của giá trị - kết quả trực tiếp của quá trình sáng tạo ấy. Văn hoá tìm kiếm những "mẫu số chung" của các quan niệm giá trị vốn mang dấu ấn cá nhân để xác lập các thang bậc giá trị văn hoá mang tính chung của cả cộng đồng. Văn hoá còn tạo ra những tiền đề và điều kiện thuận lợi để con người và cộng đồng không ngừng bổ sung, hoàn thiện những giá trị văn hoá phù hợp với xu thế chung của tiến bộ xã hội, củng cố các giá trị văn hoá đích thực, đấu tranh loại bỏ phản giá trị.
Bởi chứa đựng một hệ thống các thang bậc giá trị chung mà văn hoá xác lập và thực hiện được hệ thống các tiêu chí quan hệ trong cộng đồng, kể cả các quan hệ thuần văn hoá cũng như các quan hệ không trực tiếp nhằm mục đích văn hoá và hướng tới lợi ích thuần văn hoá. Từ đó, văn hoá tích cực thúc đẩy sự phát triển trình độ nhân tính, trình độ sáng tạo và nhân văn theo tiêu chí chân, thiện, mỹ đối với tất cả các bên tham gia mối quan hệ. Tính chất và trình độ cao hay thấp, sâu sắc hay ít sâu sắc, tiến bộ hay lạc hậu, sơ giản hay hoàn thiện của các quan hệ người trong đời sống hiện thực phụ thuộc vào tính chất và trình độ của nền văn hoá. Việc xây dựng, phát triển, hoàn thiện các quan hệ người bao giờ cũng chỉ được thực hiện trong môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh.
Mỗi kiểu quan hệ người trong lịch sử vừa làm nền tảng hình thành, vừa phản ánh và chịu sự quy định của một nền văn hoá nhất định. Quan hệ người trong xã hội có giai cấp thể hiện tập trung ở quan hệ giai cấp thì môi trường văn hoá cũng mang tính giai cấp sâu sắc, phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp, ý thức hệ giai cấp và lợi ích văn hoá của mỗi giai cấp. Nhưng chính môi trường văn hoá mang tính giai cấp ấy lại thúc đẩy sự hoàn thiện hoặc chế ước các quan hệ giữa những con người cụ thể. Mặt khác, văn hoá còn làm cho các quan hệ người phản ánh, hội kết được những nhân tố vốn có trong bản sắc và truyền thống dân tộc. Tâm hồn, cốt cách dân tộc bao giờ cũng toả dấu ấn sâu sắc trong nền văn hoá đương đại, và do đó, trong các quan hệ người phong phú, đa dạng.
Cùng với xác lập và thực hiện hệ thống các thang bậc giá trị và quan hệ người, văn hoá còn xác lập và thực hiện hệ thống các chuẩn mực hoạt động trên mọi lĩnh vực, từ sản xuất vật chất, đấu tranh xã hội, giao tiếp, ứng xử đến các hoạt động thuần văn hoá. Các quan hệ người chỉ có ý nghĩa văn hoá và biểu hiện giá trị chân, thiện, mỹ thông qua hoạt động đa dạng của cộng đồng người. Sự phát triển những giá trị người trong lịch sử - tức văn hoá - bao giờ cũng thông qua hoạt động sống của con người. Nhìn phiến diện thì chỉ thấy dường như mỗi cá nhân có một cách thức hoạt động riêng biệt, nhưng dưới góc nhìn tổng thể, toàn diện thì những cái riêng ấy lại chứa đựng những chuẩn mực chung phản ánh một sắc thái văn hoá nhất định. Cái chung này thể hiện trình độ sáng tạo và nhân văn, trình độ chân, thiện, mỹ của hoạt động, đồng thời cũng biểu hiện cách thức phù hợp nhất mà cá nhân có thể lựa chọn để tiến hành một hoạt động trong đời sống cộng đồng. Lịch sử đã chứng minh rằng, tất cả các hoạt động mang tính sáng tạo và nhân văn của con người đều chứa đựng giá trị văn hoá và đều tác động trở lại nuôi dưỡng cộng đồng về mặt văn hoá.
Trên thực tế, văn hoá luôn thâm nhập mọi lĩnh vực hoạt động, tạo nên những phạm trù kép rất phổ biến: văn hoá chính trị, văn hoá kinh doanh, văn hoá ẩm thực, văn hoá quân sự... Trong tất cả các hoạt động mang văn hoá của con người thì độ đậm đặc văn hoá thường được chứa đựng trong các hoạt động thuần văn hoá như tham quan, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật... Vì vậy, để xây dựng đời sống cộng đồng tốt đẹp, ngày càng hoàn thiện và năng động, cần làm tăng chất văn hoá của tất cả các hình thức hoạt động của con người. Nếu thoát ly môi trường văn hoá, để bị tiêm nhiễm bởi phản giá trị thì các hoạt động thuần văn hoá lại trở nên cực kỳ phản văn hoá.
Văn hoá trực tiếp tác động đến tư tưởng - đạo đức - lối sống của cộng đồng. Tư tưởng - văn hoá biểu hiện chiều sâu bản chất và phản ánh một trong những hình thái giá trị người mang tính sáng tạo nhất - năng lực khái quát bằng tư tưởng, lý luận. Cộng đồng người cùng với các quan hệ và hoạt động của họ trong một nền văn hoá luôn hướng tới mục đích nhất định và đạt hiệu quả cao nhất khi được soi sáng bởi tư tưởng khoa học. Có tư tưởng sâu sắc mới có thể nhìn nhận, lựa chọn đúng đắn những giá trị sáng tạo và nhân văn trong toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của xã hội cũng như bản thân, nhằm bồi bổ cái chân, thiện, mỹ cho chính mình. Thiếu trí tuệ dẫn đường, con người sẽ trở nên thiếu sức sống để phát triển một cách năng động, sáng tạo.
Hệ tư tưởng chính trị, hệ thống tri thức khoa học và hệ thống quan điểm lý luận đạo đức, lối sống được coi là nền tảng quan trọng nhất, không những đối với sự phát triển ý thức xã hội nói chung mà còn là tiêu chí cơ bản để đánh giá trình độ văn hoá của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Trong xã hội có sự phân chia giai cấp và đối kháng giai cấp, các phạm trù đạo đức như trách nhiệm, nghĩa vụ, vinh dự, lương tâm... cũng phản ánh hệ tư tưởng chính trị, nhưng dưới tác động của văn hoá, bản chất hướng thiện, nhân văn vẫn có sức chinh phục con người. Với ý nghĩa đó, văn hoá đóng vai trò định hướng hệ tư tưởng chính trị, hệ thống tri thức khoa học và hệ thống quan điểm lý luận đạo đức, lối sống. Một nền văn hoá lành mạnh, trong sáng là điều kiện thuận lợi để hình thành và củng cố, phát triển nền tảng hệ tư tưởng chính trị, hệ thống tri thức khoa học và hệ thống quan điểm lý luận đạo đức, lối sống tiên tiến.
Trên nền tảng hệ tư tưởng chính trị, hệ thống tri thức khoa học và hệ thống quan điểm lý luận đạo đức, lối sống, văn hoá góp phần hình thành bầu không khí tâm lý lành mạnh trong cộng đồng dân cư, tập thể... Sự tác động thường xuyên, trực tiếp của các sự kiện, hiện tượng, quá trình, vòng cộng đồng văn hoá đến con người bao giờ cũng thông qua tâm lý xã hội, tâm lý nhóm và tâm lý cá nhân. Đời sống tâm lý con người và cộng đồng bao gồm toàn bộ tình cảm, tâm trạng, thái độ, thói quen, dư luận... vừa biểu hiện hình thái tồn tại ở cấp độ tâm lý xã hội của văn hoá, vừa phản ánh tổng thể những tác động văn hoá của các hình thái ý thức xã hội đến đời sống cộng đồng.
Nhận thức vai trò văn hoá trong phát triển cần phải coi văn hoá như một thành tố sống động được kết tinh từ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời thẩm thấu vào từng tế bào xã hội. Có như vậy mới tìm ra được cách thức phù hợp để khai thác, phát huy và điều tiết các phương tiện, nguồn lực và động lực vì sự phát triển bền vững của đất nước. Cần xuất phát từ các giá trị đạo đức, thẩm mỹ, trí tuệ để đưa vào kinh tế những mục đích cao thượng. Cần giải phóng con người thoát khỏi tình trạng nghèo hèn, dốt nát; phát triển các giá trị nhân văn trong mối quan hệ giữa người với người, với xã hội và với tự nhiên; làm cho văn hoá trở thành nguồn lực căn bản, là hệ điều tiết và là mục đích của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận xét