BỆNH GIÁO ĐIỀU


Ngọc Bảo
Về bản chất, bệnh giáo điều là khuynh hướng tư tưởng và hành động tuyệt đối hoá lý luận, coi thường hạ thấp thực tiễn, không đánh giá đúng vai trò của thực tiễn trong hoạt động nhận thức cũng nh­ư hoạt động lý luận, hoặc áp dụng lý luận và kinh nghiệm không tính tới điều kiện thực tiễn lịch sử - cụ thể.

Việt Nam có hai loại bệnh giáo điều. Một là, giáo điều lý luận, thể hiện ở chỗ vận dụng lý luận không căn cứ vào những điều kiện thực tiễn - cụ thể; học tập lý luận tách rời thực tiễn, xa rời cuộc sống, rơi vào bệnh bệnh sách vở; bệnh “tầm chương, trích cú”; bệnh câu chữ,v.v.. Hai là, giáo điều kinh nghiệm, thể hiện ở chỗ vận dụng kinh nghiệm của ngành khác, người khác, địa phương khác, nước khác vào mình nhưng không tính tới những điều kiện thực tiễn lịch sử - cụ thể của mình.
Bệnh giáo điều ở nước ta có nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế tập trung, bao cấp quá lâu; ảnh hưởng của tư tưởng tiểu tư sản, như bệnh thành tích, bệnh hình thức,v.v.. Đặc biệt là vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn và không hiểu quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn ở một số cán bộ, đảng viên. Đây là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp nhất của căn bệnh giáo điều ở nước ta.
Để ngăn ngừa, khắc phục có hiệu quả bệnh giáo điều cần thực hiện nhiều giải pháp như từng bước hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khắc phục chủ nghĩa thành tích, chủ nghĩa hình thức,v.v.. Đặc biệt là phải quán triệt tốt trên thực tế sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, hiểu và vận dụng đúng đắn quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Như vậy, cả hai căn bệnh kinh nghiệm và giáo điều ở nước ta đều có một nguyên nhân chung là vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Do đó, để ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục hai căn bệnh này cần quán triết tốt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Để quán triệt tốt nguyên tắc này cần thực hiện tốt trên thực tế phương châm học đi đôi với hành; lý luận liên hệ với thực tiễn và đặc biệt tăng cường tổng kết thực tiễn. Tổng kết thực tiễn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của lý luận, ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều. Xét về bản chất, tổng kết thực tiễn là hoạt động trí tuệ của chủ thể tổng kết thực tiễn; là quá trình chủ thể tổng kết thực tiễn bằng tư duy khoa học với phương pháp biện chứng duy vật làm cơ sở phân tích, đánh giá, khái quát hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động cải tạo chính trị - xã hội, cải tạo các quan hệ xã hội; hoạt động thực nghiệm khoa học nhằm kiểm tra chân lý, kiểm tra sự đúng sai của lý luận để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận và rút ra những bài học kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận tiếp theo. Trên cơ sở đó ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều có hiệu quả. Tuy nhiên, để tổng kết thực tiễn có hiệu quả thì cần phải quán triệt quan điểm khách quan; các kết luận rút ra phải mang tính khái quát cao; mục dích của tổng kết thực tiễn phải đúng đắn.


Nhận xét