VIỆT NAM LẠI BỊ VU CÁO GIẤU DỊCH VÀ VI PHẠM "TỰ DO DÂN CHỦ" TRONG KHI ĐANG CHỐNG DỊCH COVID - 19


Kỳ Anh
"Việt Nam đã cố gắng xóa những tin tức về cái chết "đầu tiên" của Covid-19. Họ đổ lỗi sang cho bệnh nhân là chết vì "một cơn đau tim". Viện Cato - một tổ chức nghiên cứu về chính sách công, quyền tự do, dân chủ đã chấm Việt Nam 1,8/10 điểm về "tự do báo chí". Cộng sản Việt Nam cho thấy họ đang thao túng báo chí".

Đó là dòng bình luận trên twitter của Giáo sư kinh tế Steve Hanke của ĐH Johns Hopkins khi nói về việc Việt Nam thông tin về các ca tử vong vì Covid-19. Trong dòng bình luận đó, giáo sư dẫn bài viết từ Reuters.
Ngay bên dưới dòng bình luận của giáo sư, một phóng viên của Reuters, có nhiều bài viết về Việt Nam và cũng là tác giả của bài viết, tên là James Pearson đã "đính chính" những dòng thông tin sai lệch từ vị giáo sư này. Phóng viên này cho rằng giáo sư đã thông tin sai lệch, sự thực thì các bài báo bị xóa đi do thông tin không đầy đủ. Gần như ngay lập tức sau đó, báo chí Việt Nam đã đăng rõ ràng về nguyên nhân cái chết của bệnh nhân đầu tiên. Người ấy bị đau tim, các bệnh nền nghiêm trọng và Covid-19.
"Vị giáo sư th** tha đang lan truyền những thông tin dối trá. Mọi người ở Việt Nam đều biết là đã có 8 ca tử vong. Thật xấu hổ"
"Lời nói của giáo sư khiến cả những người Mỹ cũng buồn nôn. Ai cũng biết ở Đà Nẵng đã có người chết nhưng giáo sư lớn tiếng bịa chuyện rằng Chính phủ Việt Nam đang che giấu thông tin dịch bệnh"
Đó là một vài phản hồi về sự dối trá, bịa đặt trong dòng bình luận của giáo sư. Có một số bình luận cho rằng giáo sư có vẻ như đang đóng vai "chúa hề" và "tấu hài".
"Gần 170 ngàn người theo dõi sẽ phải đọc những thông tin bịa đặt như thế này" - Một độc giả yêu cầu giáo sư đính chính thông tin.
Tuy nhiên, vị giáo sư kinh tế của một trong những trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ không hề đính chính thông tin, dòng bình luận vẫn còn tồn tại đến thời điểm mình đăng bài viết này. Cần biết rằng, đã rất nhiều lần trong quá khứ, vị giáo sư này có những lời lẽ quy chụp, thậm chí vu cáo cách thức chống dịch của Việt Nam. Chính giáo sư này từng cho rằng Việt Nam không minh bạch số liệu về Covid-19, chống dịch tốt nhờ vi phạm quyền "tự do dân chủ" của người dân. Trong một dòng bình luận khác hồi tháng 5/2020, giáo sư cũng cho rằng tại Đông Nam Á, Việt Nam đang là quốc gia thiếu minh bạch thông tin về dịch bệnh".
Một số tờ báo có "thâm niên" đả kích Việt Nam luôn cho rằng Việt Nam đang "tích cực che giấu những thông tin về dịch bệnh". Có nghi vấn được đặt ra rằng số người chết tại Việt Nam có lẽ không dừng lại ở con số 10 như hiện tại mà còn hơn rất nhiều, chính việc cách ly Đà Nẵng nhằm mục đích giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết triệt để những cái chết vì Covid-19 mà không gặp sự nghi ngờ của người dân. Thậm chí, cánh báo chí "lá ngón" này còn nghi ngờ rằng tình hình tại Đà Nẵng đang rất nguy cấp. Họ cho rằng việc lập ra bệnh viện dã chiến với khoảng 1000 giường bệnh là không cần thiết khi số lượng bệnh nhân đang điều trị chỉ là hơn 300 bệnh nhân. Liệu cộng sản Việt Nam đang che giấu những gì tại Đà Nẵng?
Tờ Asia Times Financial còn cho so sánh "thảm họa" tại Đà Nẵng sẽ bị che giấu như vụ việc Formosa năm 2016. Tờ này còn chỉ trích ngược lại một số mạng xã hội quốc tế đã "hiệp đồng" cùng Chính phủ Việt Nam che giấu nhiều luồng thông tin dịch bệnh. Tờ này dẫn lời từ trang Foreign Policy cho rằng Việt Nam đã xử lý gần 700 trường hợp đưa tin "sự thực" về Covid-19. Ngoài ra, các mạng xã hội và cơ quan an ninh đã che giấu thông tin bằng cách kiểm duyệt hơn 300 ngàn bài viết về Covid-19.
Reuters dành nhiều lời "có cánh" cho Việt Nam. Tờ này đưa tin rằng đã có khoảng 1000 cán bộ y tế đã đến Đà Nẵng để chống dịch. Chỉ trong 3 ngày ngắn ngủi, một bệnh viện dã chiến với quy mô lên tới 1000 giường bệnh đã được lập ra - chưa có một bệnh viện dã chiến nào tại châu Âu được dựng lên nhanh như vậy. Chính tờ báo này, trong đoạn kết của bài viết, nói rằng chính Việt Nam do cộng sản lãnh đạo đã nhận được nhiều lời khen ngợi trên toàn cầu về công khai và minh bạch thông tin.
Ngày 05/08/2020, TheDiplomat phân tích rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang thu được nhiều tích cực và người dân Việt Nam đang rất tin tưởng vào công cuộc chống dịch tại quốc gia này. Tờ này thừa nhận những thành công bước đầu trong đợt dịch tái bùng phát này ở Việt Nam nhờ công cuộc truy tìm liên lạc, kiểm dịch bắt buộc, áp dụng các chiến dịch quy mô nhằm nâng cao nhận thức, sự tuân thủ của cộng đồng, và cách ly xã hội các khu vực cần thiết. Các biện pháp này được quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, điều đáng ngợi khen là các biện pháp chống dịch tại đợt tái bùng phát này được thực hiện nhờ tính minh bạch của thông tin và sự phối hợp chặt chẽ theo chiều ngang và chiều dọc giữa các cấp chính quyền.
Mới đây, Việt Nam đang huy động càng đông người dân cài ứng dụng Bluezone - đây là một ứng dụng tìm kiếm, cảnh báo, thu thập thông tin trực tuyến từ người dân nhằm phòng chống Covid-19. Ứng dụng này được Chính phủ Việt Nam coi như là "át chủ bài" trong cuộc chiến chống Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Đây là một "phong cách" chống dịch rất mới mẻ và hiệu quả dựa trên nền tảng phủ sóng di động rộng khắp cả nước và tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh cao.
Tuy nhiên, một số cánh báo chí nước ngoài, như tờ B, tờ V, tờ R... lại cho rằng việc cài Bluezone là một "nghi ngờ về tình trạng tự do dân chủ, nhân quyền". Họ đặt giả thuyết rằng Chính phủ Việt Nam có thể thông qua ứng dụng nhằm khai thác thông tin, theo dõi người dùng. Mục đích chống dịch chỉ là mục đích ban đầu, sâu xa hơn, đó là một "con dao giấu kín" nhằm theo dõi người dân. Phe này còn cho rằng, Bluezone nguy hiểm chẳng kém gì Tiktok - một ứng dụng cũng bị cảnh báo xâm phạm quyền tự do riêng tư và yêu cầu người dân Việt Nam không cài đặt.
Hầu như bất cứ một ứng dụng mạng xã hội nào đều tiến hành thu thập dữ liệu từ người dùng, điều quan trọng nhất những thông tin đã được thu thập sẽ được dùng vào việc gì.
Một số cánh báo chí nước ngoài từng phê phán việc các bộ, ngành Việt Nam nhắn tin cho người dân là phí phạm, tốn kém tài nguyên và ô nhiễm môi trường và "không phải ai cũng thích thú" khi nhận được các tin nhắn ấy. Bên cạnh đó, họ cho rằng người dân sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi đọc những tin nhắn ấy. Thay vì tự gửi, sao các bộ, ngành Việt Nam không để người dân tự do đăng ký, ai đăng ký thì gửi, ai không đăng ký thì thôi (?).
Quyền tự do hay dân chủ gì đó thì đúng và hay đấy. Đặt trong bối cảnh cả nước chung tay chống dịch thì việc sử dụng một ứng dụng "toàn dân" như thế này nhằm mục đích thu thập thông tin y tế, báo cáo lộ trình di chuyển của các ca nhiễm nhằm khiến người dân nâng cao cảnh giác phòng bệnh chẳng phải là rất tốt sao?
Hệ thống nhắn tin phòng dịch của Việt Nam từng được CNN, TheGuardian ca ngợi hết lời rằng đây là một biện pháp sáng tạo trong giai đoạn "cách ly xã hội". Những tin nhắn chắc chắn sẽ đến với người dân, họ sẽ biết được bên ngoài đang diễn ra điều gì, không phải đối phó với tin giả, không phải lo lắng về việc Chính phủ "đứng im" hay "đang hành động".
Như thường lệ, dường như luôn có nhiều chỉ trích nhắm về phía Việt Nam, có nhiều chỉ trích dường như là vô lý, có nhiều quy chụp dựa trên định kiến cá nhân.
Như một bình luận tại trang cá nhân của giáo sư Steven Hanke: "Phải chăng giáo sư ghét cộng sản, nên bất cứ việc gì liên quan đến cộng sản, mặc dù đúng, giáo sư vẫn muốn "bôi đen". Có đúng không"./.

Nhận xét