THÀNH TỰU TRONG THỰC HIỆN QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM - LUẬN CỨ XÁC ĐÁNG NHẤT BÁC BỎ MỌI CÁO BUỘC VIỆT NAM VI PHẠM NHÂN QUYỀN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


Thiện Trí
Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ những phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được ghi nhận, bảo đảm bằng pháp luật quốc gia và quốc tế. Trong quá trình hội nhập quốc tế, nhiều nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á đã phải chịu nhiều sức ép về vấn đề quyền con người, như Trung Quốc, Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia, Mianma,... Với Việt Nam, hàng năm Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn công bố báo cáo nhân quyền ở Việt Nam, với thái độ thiếu thiện chí và xuyên tạc sự thật. Năm 2012, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật 1869 về nhân quyền ở Việt Nam với nhiều thông tin và nhận xét sai lệch, thậm chí xuyên tạc đối với những vụ, việc xảy ra, chẳng hạn, thổi phồng, bóp méo những vụ xét xử tội phạm hình sự thông thường thành những vụ đàn áp tôn giáo, đàn áp tự do báo chí, ngôn luận,... Đây là một sự xuyên tạc trắng trợn có chủ đích, gây sức ép và chống phá cách mạng Việt Nam.

 Khi xem xét vấn đề quyền con người chưa đặt trên các cơ sở cụ thể. Trong thực tế, việc vi phạm quyền con người còn xuất phát từ chính các cá nhân mà không phải nhà nước nào cũng luôn có thể kiểm soát và bảo vệ kịp thời, ngay cả với chính phủ ở các nước tự coi là mẫu mực về thực hiện quyền con người (ví dụ, các vụ khủng bố ở nhà ga, siêu thị, hoặc xả súng tại các trường học, nơi công cộng, giết hại hàng chục, hàng trăm người ở Anh, Mỹ trong những năm gần đây). Đặc biệt phải đặt trên điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc.
Thực tiễn chứng minh, từ khi thực hiện đổi mới, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu trong phát triển mọi mặt, từ chính trị tới kinh tế, xã hội, văn hóa. Đặc biệt, từ sau Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), thực hiện chủ trương “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”, nước ta càng có những bước tiến nhanh trong việc cải thiện quyền con người. Với chủ trương đổi mới đúng đắn, nhất là trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, đất nước đã có bước tiến đáng kể trong cải thiện điều kiện, mức sống của người dân. Bằng nội lực và sự giúp đỡ, cộng tác với Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới, Việt Nam đã có bước tiến nhanh chóng trong xóa đói, giảm nghèo, trở thành nước điển hình thành công, được thế giới thừa nhận. Sau gần 35 năm, tỷ lệ người nghèo đã giảm từ trên 60% xuống còn dưới 10%; nâng mức thu nhập bình quân lên khoảng gần 2000 USD/người vào năm 2020 và bước vào ngưỡng các nước thu nhập trung bình. Vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm chăm sóc sức khỏe, giáo dục,... được cải thiện đáng kể.
Hội nhập tích cực, chủ động với thế giới, nước ta đã thực hiện nhiều đổi mới, hoàn thiện thể chế chính trị, hệ thống luật pháp. Đặc biệt, trong hệ thống luật pháp, đã sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Công ty, các quy định pháp luật về xuất cảnh, quốc tịch, nhận con nuôi theo tinh thần cởi mở, thông thoáng; ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Báo chí, Luật Xuất bản,... Do vậy, trên thực tế, các quyền dân sự, chính trị của người dân, bao hàm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do đi lại, quyền tham gia đời sống chính trị, quyền của người dân tộc thiểu số, của nhóm yếu thế trong xã hội,... được nhận thức, tôn trọng và được bảo đảm tốt hơn. Nhiều mục tiêu của thiên niên kỷ chúng ta về đích trước thời hạn. Những thành tựu đó được người dân trong nước và thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Mặc dù, còn có những hạn chế xuất phát từ nguyên nhân trình độ nhận thức, điều kiện kinh tế văn hóa xã hội. Song những thành tựu đạt được là cơ bản, phản ánh rõ nét bản chất nhân đạo, nhân văn của Đường lối cách mạng, của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những thành tựu về thực hiện quyền con người ở Việt Nam nói trên, là bằng chứng đanh thép bác bỏ thuyết phục nhất các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam./.

Nhận xét