QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


Oanh Trần
Lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam là một bộ phận quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nhân tố quyết định làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần quan trọng vào việc giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc tác hại vô cùng to lớn của âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đã làm cho chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tạm thời lâm vào thoái trào và chính nó đã và đang gây không ít khó khăn, cản trở công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới của các nước chủ nghĩa xã hội còn lại, trong đó có Việt Nam và Cu Ba.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiên cứu kỹ bản chất, âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá các nước xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu và tìm ra được những nguyên nhân chủ yếu làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu mất quyền lãnh đạo, chế độ xã hội chủ nghĩ bị sụp đổ. Về nguyên nhân chủ quan: Một là, Đảng Cộng sản biến chất, nội bộ mất đoàn kết và chia rẽ sâu sắc. Hai là, Đảng Cộng sản từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, thực hiện cải tổ, cải cách đất nước, xây dựng xã hội “dân chủ” kiểu phương Tây. Ba là, không thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang và làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Về nguyên nhân khách quan, nổi lên hai điểm chính: Một là, chủ nghĩa đế quốc và một số nước phương Tây hỗ trợ đắc lực cho lực lượng đối lập chống đối trong nước chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội củ nghĩa; thực hiện “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Hai là, lợi dụng thời điểm khó khăn, đời sống nhân dân không được đảm bảo, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và bộ máy nhà nước, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã lôi kéo, mua chuộc, tập hợp được một bộ phận đông đảo quần chúng đứng về phía họ để chống Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Từ nhận thức trên, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “diễn biến hòa bình” là một nguy cơ của cách mạng Việt Nam; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ cấp bách của cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc, diễn ra quyết liệt trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội; là công cuộc giữ nước của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, gồm tổng thể hoạt động đối nội, đối ngoại về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao, quốc phòng, an ninh,...được tiến hành bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa là vấn đề cơ bản, lâu dài; kết hợp giữa phòng ngừa, ngăn chặn và răn đe, trừng trị với việc tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Đây là cuộc chiến đấu trong thời bình, một “cuộc chiến không bom rơi, đạn nổ, không tiếng súng” nhưng vô cùng gay go, quyết liệt và phức tạp, giữa dân tộc Việt Nam kiên cường trong chống giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập dân tộc và đi theo con đường chủ nghĩa hội với “lũ giặc nội xâm”, đang tìm “trăm phương nghìn kế” để phá hoại công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” là nhất quán và được khẳng định là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài gắn chặt với thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được thể hiện qua các kỳ đại hội và các hội nghị Trung ương kể từ khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (1986) đến nay.
Sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tại Hội nghị Trung ương Ba khóa VII, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Nâng cao cảnh giác cách mạng, chống “diễn biến hòa bình”. Vạch trần những âm mưu thâm độc và những luận điệu chiến tranh tâm lý. Quản lý chặt chẽ các cuộc hội thảo, các dịch vụ thông tin, ngăn chặn việc lợi dụng diễn đàn và các cơ hội để thu thập tin tức tình báo, truyền bá các quan điểm thù địch và lối sống tư sản”1. Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng xác định 4 nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam, đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ tham nhũng và các tệ nạn xã hội; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Hội nghị Trung ương Tám khóa IX, Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan “diễn biến hòa bình”, nguy cơ can thiệp quân sự và xung đột vũ trang, xâm hại chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta”2. Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”3. Hội nghị Trung ương Tám khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới khẳng định: “Chủ động đấu tranh với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Không để hình thành tổ chức chính trị đối lập dưới bất kỳ hình thức nào”. Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định 4 nguy cơ vẫn tồn tại, “có mặt diễn biến phức tạp như tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng internet để chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”4
Những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch tiếp tục được khẳng định trong văn kiện Đảng qua các kỳ đại hội, hội nghị Trung ương ở các khóa tiếp theo; đồng thời, được bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa trong thực tiễn lãnh đạo công tác đấu tranh này.    

Nhận xét