PHÒNG, CHỐNG CÁC THÔNG TIN SAI SỰ THẬT TRÊN MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY


Cương Trực
Ngày nay, cùng với nhiều lợi ích đem lại, mạng xã hội đã trở thành phương tiện không thể thiếu, là công cụ giải trí hằng ngày của con người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, có một vấn đề diễn biến khá phức tạp và rất khó kiểm soát hiện nay trên mạng xã hội, đó là sự xuất hiện hàng loạt các thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Do vậy, chúng ta cần tăng cường cảnh giác, nhận diện các loại thông tin này, xác định rõ tác hại của nó nhằm xây dựng một cộng đồng mạng xã hội trong sạch, lành mạnh, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việt Nam hiện nay có khoảng 65 triệu người sử dụng mạng xã hội để giải trí, liên hệ với bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, mẹo vặt trong cuộc sống và kể cả quảng cáo bán hàng. Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900.000 thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh. Cũng theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thời gian quan cả nước đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội; đã có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về dịch Covid-19 trên không gian mạng bị cơ quan chức năng xử lý.
Thông tin sai sự thật nhất là các nội dung xuyên tạc sẽ gây nên những hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc cũng như thái độ, suy nghĩ và quyết định của người dân với nhiều vấn đề của đất nước. Từ đó, làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông của đất nước nói chung và báo chí nói riêng, khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận... Thậm chí nghiêm trọng hơn, khi các thế lực thù địch, cơ hội, phản động đang triệt để lợi dụng internet và mạng xã hội để tiến hành “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, tính nguy hại của thông tin sai sự thật còn bị nhân lên gấp bội.
Phòng, chống các thông tin sai sự thật trên không gian mạng là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, các lực lượng cũng như mỗi người dân với nhiều cách thức, biện pháp khác nhau. Trong đó, có thể tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng mạng nhằm cảnh giác, nhận diện thông tin sai sự thật cũng như tác hại của hành vi trên mạng xã hội.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường quản lý, xử lý nghiêm minh, tạo sự răn đe hiệu quả đối với các hành vi vi phạm liên quan đến việc tạo dựng và tán phát thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Ba là, tăng cường hiệu quả của hệ thống thông tin chính thống, bảo đảm chính xác, kịp thời, thưởng xuyên, liên tục, góp phần ngăn chặn các thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội.
Một vấn đề quan trọng hơn hết chính là mỗi cư dân mạng phải luôn tỉnh táo, cảnh giác, biết gạn đục khơi trong, không bị tác động, ảnh hưởng bởi những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Hãy tạo cho mình thói quen cẩn trọng, cân nhắc, đánh giá, nhìn nhận đúng trước khi bình luận, chia sẻ, đăng lên mạng xã hội các thông tin được tiếp cận. Hơn thế nữa, phải có được sự miễn dịch mạnh mẽ để bài trừ các thông tin xấu độc ngay khi tiếp xúc. Chúng ta hãy là những người sử dụng mạng xã hội thông minh để cô lập, loại bỏ hoàn toàn các thông tin sai sự thật ra khỏi cộng đồng mạng./.

Nhận xét