NHỮNG TOAN TÍNH CỦA TRUNG QUỐC VỚI "BỘ BA" SỨC MẠNH TRÊN BIỂN ĐÔNG


Phương Ngọc
Việc Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) cho thấy những bước đi đầy toan tính nhằm tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông bằng sức mạnh quân sự.

Mối đe dọa của “bộ ba” sức mạnh
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 20/8/2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom H-6J ra Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn làm phức tạp tình hình Biển Đông. Lời cảnh báo này xuất phát từ thực tế là với những tính năng đang sở hữu, H-6J có thể tạo ra mối đe dọa lớn về mặt quân sự, gây bất ổn trong khu vực.
Là máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc, H-6 được thiết kế trên cơ sở máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô trước đây. Theo thời gian, H-6 được cải tiến với các biến thể khác nhau như: H-6G, H-6M, H-6N, H-6J và H-6K. Trong đó H-6K là biến thể được nâng cấp mạnh nhất với động cơ mới dòng D-30KP-2 của Nga. H-6K có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong mọi thời tiết và nếu mang tên lửa hành trình, cự ly tấn công các mục tiêu chiến lược của nó có thể đạt đến 5.000km. Trong tính toán của Trung Quốc, các loại máy bay ném bom dòng H-6 nằm trong “bộ ba” sức mạnh của họ trên Biển Đông. Ngoài H-6, những vũ khí nằm trong “bộ ba” nói trên là tên lửa chống hạm YJ-12B và tên lửa phòng không HQ-9B.
YJ-12B là tên lửa chống hạm siêu thanh phóng từ máy bay, tương tự như tên lửa Kh-31 của Nga. YJ-12B có tầm bắn tối đa 545km và tốc độ 4.940 km/h nếu phóng từ độ cao lớn, nhưng thông số này sẽ giảm đáng kể nếu tên lửa phải bay thấp, gần mặt biển. Sau khi được phóng từ máy bay, tên lửa YJ-12 sẽ giảm độ cao xuống còn 15m trong pha cuối tiếp cận mục tiêu. Điều này khiến đối phương chỉ có khoảng 45 giây để phát hiện và đánh chặn. Loại vũ khí này có thể trang bị cho máy bay ném bom H-6, cường kích JH-7B, tiêm kích J-10, J-11 và J-16. Khi được gắn trên tiêm kích J-11, YJ-12 có thể tấn công tàu sân bay của đối phương từ khoảng cách xa hơn 1.900km, vượt hơn cả tầm bắn của tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D.
Một khi được triển khai đến Hoàng Sa và Trường Sa, “bộ ba” sức mạnh sẽ giúp không quân Trung Quốc có khả năng tác chiến bao trùm cả Biển Đông, thách thức không chỉ các nước trong khu vực mà còn cả Mỹ.
Biến các đảo tôn tạo thành “tàu sân bay” không thể bị đánh chìm
Để nâng hiệu quả và tầm hoạt động của “bộ ba” sức mạnh ở Biển Đông, Trung Quốc cần những cơ sở bảo đảm hậu cần - kỹ thuật. Những đảo nhân tạo mà Trung Quốc gấp rút tôn tạo trái phép trên Biển Đông chính là nhằm giải quyết đòi hỏi đó. Kể từ cuối năm 2013, các tàu nạo vét Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở quần đảo Trường Sa để tiến hành bồi đắp 7 bãi đá ngầm là đá Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi thành các đảo nhân tạo. Kết thúc quá trình bồi đắp, tổng diện tích các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Viêt Nam đã lên tới khoảng 13,21km2 (tập trung chủ yếu trên 3 đá là Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập).
Trên 3 đảo tôn tạo là Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập, Trung Quốc cho xây dựng những sân bay quân sự với chiều dài hơn 3km. Đá Xu Bi ở đầu phía Bắc của quần đảo Trường Sa, chỉ cách đảo Thị Tứ 15 hải lý. Đá Chữ Thập nằm ở nửa phía Tây của quần đảo Trường Sa, còn đá Vành Khăn chỉ cách Bãi Cỏ Mây mà Philippines đang kiểm soát có 21 hải lý. Đi liền với sân bay là các nhà chứa máy bay đủ kích cỡ, có thể chứa cả những máy bay ném bom H-6K.
Như vậy là chỉ trong vài năm, thế giới đã chứng kiến Trung Quốc nâng số sân bay tại Biển Đông từ 1 lên 4 sân bay. Trong khi sân bay trên đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc khả năng theo dõi phía Bắc Biển Đông, thì các sân bay Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi kiểm soát xuống phía Nam Biển Đông. Theo các chuyên gia quân sự, các sân bay trên các đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập có thể coi như các tàu sân bay không thể bị đánh chìm, giúp Trung Quốc có thể đối đầu với các tàu sân bay của Mỹ. Quá trình quân sự hóa Biển Đông cũng được tiến hành từng bước, song song với tốc độ tôn tạo các đá ở Trường Sa.
Với việc đưa máy bay ném bom H-6J đến Hoàng Sa, Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu tạo ra “bộ ba” sức mạnh trên Biển Đông. Với bán kính hoạt động lớn, H-6J cất cánh từ Đảo Phú Lâm có tầm bao phủ toàn bộ Biển Đông. Điều này giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể khả năng tuần tra trên các vùng biển tranh chấp và các thực thể của quần đảo Trường Sa, gây khó khăn hơn trong hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền, cũng như hoạt động của các quốc gia bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ…
Các nhà nghiên cứu còn đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu như loại máy bay ném bom này được điều tiếp xuống Trường Sa. Một khi đó là hiện thực, toàn bộ khu vực Đông Nam Á sẽ nằm trong phạm vi tác chiến của các máy bay ném bom dòng H-6 như H-6J, H-6K. Thậm chí, H-6K có thể mở rộng phạm vi hoạt động đến phía bắc Australia hoặc các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam. Quá trình quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc có thể đem đến những hậu quả khó lường.

Nhận xét