HOÀN THIỆN THỂ CHẾ PHÁP LÝ VÌ MỤC TIÊU “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH” NHẰM BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Thiện Trí
Hoàn thiện thể chế pháp lý là giải pháp cơ bản quan trọng nhằm bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Bởi, hệ thống pháp luật, pháp chế là sự cụ thể hóa quan điểm, đường lối chính sách của Đảng. Phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực hiện “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hoàn thiện thể chế pháp lý là khung khổ quan trọng định hướng và bảo đảm trên thực tiễn nhận thức, hành động của các cá nhân và tổ chức nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thể chế pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua đã luôn được quan tâm xây dựng và không ngừng hoàn thiện. Thể chế pháp lý đó phản ánh và là sự cụ thể hóa rõ nhất mục tiêu cao cả của quyền con người đó là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những thành tựu về quyền con người ở nước ta trong thời gian qua là sự đóng góp quan trọng của hoạt động này.
Hiện nay, việc hoàn thiện thể chế pháp lý theo mục tiêu này, điều khó khăn là thể chế hóa mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, cộng đồng, giữa quyền và nghĩa vụ của cá nhân. Những mối quan hệ này gắn bó, ràng buộc nhau, không hề mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, trong xã hội ta ta quyền cá nhân và tập thể, cộng đồng, một mặt, vừa có biểu hiện chưa được bảo đảm đầy đủ quyền của cá nhân, vừa có biểu hiện tự do quá trớn, vi phạm quyền của cá nhân khác, của tập thể, cộng đồng nhất là việc lợi dụng các trang mạng xã hội để vu khống, bôi nhọ người khác. Mặt khác, trong ý thức, văn hóa, mặc dù tập thể, cộng đồng được đề cao, ưu tiên trước cá nhân, song trong thực tế, quyền của tập thể, cộng đồng ở nhiều nơi lại không được bảo đảm, để cho một số ít cá nhân lạm dụng, lợi dụng sở hữu công cộng về đất đai, tài nguyên quốc gia để lấn chiếm, tham nhũng.
Vấn đề khó khăn khác trong việc thể chế hóa về chính sách và pháp luật là xử lý mối quan hệ giữa nguyên tắc phổ biến của quyền con người và điều kiện khách quan về trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Việc thỏa mãn quyền con người, đặc biệt là các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội, không thể vượt quá điều kiện khách quan. Sau sự thất bại của cơ chế bao cấp, chúng ta đã nhận thức rõ và thay đổi quan điểm, phương thức, chuyển từ việc Nhà nước là người cung cấp, bảo đảm trực tiếp cho mỗi người được hưởng thụ những nhu cầu vật chất sang Nhà nước là người bảo đảm cơ hội để mỗi người tự hưởng thụ những nhu cầu đó. Ví dụ, quyền có nhà ở, quyền có việc làm, quyền được học tập,... không thể được giải quyết theo phương thức bao cấp như trước kia, mà phải trên cơ sở vận động của mỗi người trong cơ chế thị trường mà Nhà nước là người bảo đảm điều kiện pháp lý cho việc thực hiện đó.
Trong thời gian tới, để hoàn thiện thể chế pháp lý vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm bảo đảm quyền con người ở Việt Nam cần tiếp tục chú ý một số vấn đề sau:
Về các quyền dân sự - chính trị: Trọng tâm là hoàn thiện thể chế dân chủ, nhằm bảo đảm quyền của người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia xây dựng và kiểm soát Nhà nước, quyền được bày tỏ chính kiến, quyền tự do tôn giáo, quyền sở hữu trí tuệ. Tự do tôn giáo là vấn đề lớn ở các nước. Ở nước ta, đây là vấn đề dễ bị các thế lực xấu lợi dụng vì mục đích chính trị. Hiến pháp nước ta đã cụ thể hóa quan điểm tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Một mặt, chúng ta khẳng định nguyên tắc thế tục của Nhà nước, nghĩa là không để tôn giáo can thiệp công việc của Nhà nước; Nhà nước đối xử công bằng, bình đẳng đối với các tôn giáo, chống mọi biểu hiện lợi dụng quyền tự do tôn giáo chống phá Nhà nước, gây mất trật tự, an ninh quốc gia. Mặt khác, thừa nhận quyền của cá nhân về tôn giáo theo tinh thần “Mọi người có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, kể cả quyền thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, quyền được tự mình hay cùng với người khác ở nơi công cộng hay tư nhân, thể hiện tôn giáo và tín ngưỡng của mình, rao giảng, thực hành, thờ cúng hay kỷ niệm” (Điều 18, Công ước về các quyền dân sự và chính trị).
Về các quyền kinh tế: Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền sở hữu, kinh doanh của người dân một cách công bằng, không bị phân biệt đối xử. Đó là những quy định pháp lý liên quan tới bình đẳng trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và các dịch vụ công khác.
Về các quyền văn hóa, xã hội: Trọng tâm là hoàn thiện chế độ an sinh xã hội. Đặc biệt là chế độ bảo hiểm xã hội, cứu trợ và chăm sóc các đối tượng chính sách và có hoàn cảnh khó khăn, bất lợi. Hoàn thiện chế độ giáo dục, hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế cho người dân./.



Nhận xét