“CHỨNG BỆNH” CỦA NHỮNG “ĐẢNG VIÊN TRUNG THÀNH”


                                                                                 Niềm Tin
Gần đây, lại một lần nữa, những kẻ đã từng tự nhận mình là những “đảng viên trung thành” thì nay lại tiếp tục tự nhận mình là những “nhân sĩ trí thức”, nhà đấu tranh “dân chủ” để tiếp tục phá hoại sự phát triển và ổn định của đất nước, gây chia rẽ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm tổn hại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chống lại đường lối đối ngoại sáng tạo, độc lập tự chủ của Đảng và Nhà nước cũng như chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Phải chăng, đây là một “căn bệnh” đã mắc phải của một số người khi tự nhận mình là những “đảng viên trung thành”, những “nhân sĩ trí thức”, nhà đấu tranh “dân chủ”? Nếu là một “căn bệnh” thì cần phải được “khám” và “chữa trị” kịp thời, không thể để “lây lan” sẽ  rất là nguy hiểm.
Mỗi người dân Việt Nam đang được hưởng hạnh phúc và tự hào khi được sinh ra trong một đất nước có bề dầy lịch sử với truyền thống hào hùng, được sống trong môi trường đất nước hòa bình, ổn định và phát triển “hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội”(1). Có được điều đó là bởi “Từ năm 1930 đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại(2). Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang phấn khởi thi đua lập những thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vậy mà, những việc làm của những “đảng viên trung thành”, những “nhân sĩ trí thức”, nhà đấu tranh “dân chủ” lại hàm chứa ý đồ xấu xa, thâm độc nhằm phủ nhận những thành quả cách mạng, phá hoại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc của Bác Hồ viết năm 1947 với bút danh X.Y.Z được Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản lần thứ 7 năm 1959, Bác đã viết “Cán bộ và đảng viên ta…mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa”(3). Phải chăng, những người tự nhận mình là những “đảng viên trung thành”, những “nhân sĩ trí thức”, nhà đấu tranh “dân chủ” đã học rất nhiều nhưng học chưa tới nơi tới chốn nên mình “có bệnh” mà không biết để  đi “chữa bệnh” cho mình lại cứ tự cho mình là “thầy thuốc” đi “chữa bệnh” cho “người khác”.
Thực chất những căn bệnh này là do những khuyết điểm của chính họ mà ra, Bác đã viết “Khuyết điểm có nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng: Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan; khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi; khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa. Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng”(4).
Thứ nhất, đối với bệnh chủ quan. Bác đã viết “…vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo”(5). Sự thật hiển nhiên không ai có thể phủ nhận, đổi trắng thay đen được, đó là công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ở Việt Nam do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo suốt 30 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Vậy mà những “đảng viên trung thành”, những “nhân sĩ trí thức”, nhà đấu tranh “dân chủ” lại “…nghĩ thế nào làm thế ấy”(6). Cho nên “Xem nhiều sách để mà loè, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận. Nhưng có đôi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt”(7).
Thứ hai là bệnh hẹp hòi. Bác đã viết “Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân”(8). Là bệnh hẹp hòi cho nên “…không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể… trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng”(9).
Thứ ba là thói ba hoa. “Thói ba hoa là gì? Chúng ta chống bệnh chủ quan, chống bệnh hẹp hòi, đồng thời cũng phải chống thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Vì ba thứ đó thường đi với nhau. Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn”(10). Cho nên, từ chứng bệnh ba hoa dẫn đến “…Kết quả chỉ để cho những ai vô công rồi nghề xem…”(11).
           Những việc làm của những người tự xưng danh là “đảng viên trung thành”, những “nhân sĩ trí thức”, nhà đấu tranh “dân chủ” là việc làm của những kẻ  được “uống nước” mà không biết “nhớ nguồn”, được “ăn quả” mà không biết nhớ đến “người trồng cây”, được học nhưng chưa học tới nơi tới chốn. Về thực chất, đó việc làm của những phần tử phản động, nhằm chống đối Đảng, Nhà nước ta, tiến tới phủ nhận con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.



            (1). Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XI. Nxb CTQG. H. 2011. Tr 64.
            (2). Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XI. Nxb CTQG. H. 2011.Tr 63.
            (3), (4).  Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 5. Tr. 273.
            (5), (6), (7). Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 5. Tr. 274.
            (8), (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 5. Tr. 276.
          (10),  (11). Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 5. Tr. 339.

Nhận xét