TRUYỀN THỐNG “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH

Phạm Trung
    Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” được hình thành và phát triển từ lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Truyền thống quý báu này đã được phát triển lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

    Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hệ tư tưởng phong kiến đã trở nên lỗi thời, lạc hậu nhưng những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam không những không bị mất đi mà lại được khơi dậy như những làn sóng. Những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong đó có giá trị “Uống nước nhớ nguồn” đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Khi tìm thấy lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, xác định đúng mục tiêu, phương pháp, lực lượng cách mạng, Người không quên giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ các lớp huấn luyện ở Chiến khu Việt Bắc cũng như toàn thể nhân dân phải có trách nhiệm phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc: Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”[1]. Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, khơi dậy được sức mạnh to lớn của các giá dân tộc truyền thống, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mở ra một thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh.
    Trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn chú ý lãnh đạo đất nước giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Người nhắc nhở để mọi người dân Việt Nam không được quên công lao của những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Thực hiện lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đề cao truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thường xuyên quan tâm, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ tử nạn” (về sau đổi tên thành Hội giúp binh sĩ bị thương) đã được thành lập ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), Hà Nội,…Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự. Hội đã có những việc làm rất thiết thực, quyên góp, ủng hộ quần, áo, giầy, mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, phát động Cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”, làm cho phong trào đền ơn, đáp nghĩa phát triển rộng khắp.
    Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng, số người bị thương, hy sinh tăng lên, đời sống của quân và dân ta gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ. Tháng 6 năm 1947, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh,  Hội nghị các đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã được tổ chức tại Đại Từ Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. 
   Bắt đầu từ ngày Thương binh toàn quốc lần thứ nhất (27/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xung phong “gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ.00).”[2] để ủng hộ anh em thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm trở thành dịp để Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân cả nước bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã đóng góp máu, thịt của mình cho sự nghiệp cách mạng. Năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ”.
    Năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Người tiếp tục nhấn mạnh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những người đã cống hiến một phần xương máu của mình cho sự trường tồn của dân tộc“Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta.”[3].
    Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta những công việc cần phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Đầu tiên phải là công việc đối với con người, phải quan tâm đến thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.”[4].
    Tư tưởng, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự đã tiếp nối được truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đậm chất nhân văn của dân tộc Việt Nam, trở thành một tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.



[1] Hồ Chí Minh (1941), Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.259.
[2] Hồ Chí Minh (1947), Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.205.
[3] Hồ Chí Minh (1960), Bài nói tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Báo Nhân dân, Số 2121, ngày 7-1-1960, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.401.
[4] Hồ Chí Minh (1968), Di chúc, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H.2011, tr.616.

Nhận xét