TRUYỀN THỐNG “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM CÓ TỪ BAO GIỜ?

Phạm Trung
     Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” được hình thành và phát triển từ lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam liên tục phải chống chọi với thiên tai, địch họa để tồn tại và phát triển. Để giữ cho xã tắc bình yên, người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc, rất nhiều tấm gương người Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh.
Biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn của những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì nghĩa lớn, các triều đại phong kiến Việt Nam đề ra nhiều chính sách đãi ngộđộng viên toàn dân có những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh, tri ân đối với những người có công và gia đình, người thân của họ.

    Sử cũ có ghi về chế độ tặng và tuấtThần tông, năm Thịnh Đức thứ ba (1655), quy định về chính sách cho quan và binh chết trận: Các chánh đội trưởng, đội trưởng ở các dinh cơ đội thuyền có dự cai quản cùng những binh lính được cử đi đánh giặc mà hết sức cố đánh, hoặc chết trận thì cai đội, cai thuyền được tặng chức tả hiệu điểm và mỗi viên được cấp 20 mẫu quan điền; chánh đội trưởng và đội trưởng được gia tặng chức hữu hiệu điểm và mỗi viên được cấp 15 mẫu quan điền; binh lính thì được cấp 5 mẫu quan điền và cho con được miễn trừ việc quan, nếu chưa có con thì anh em hay cháu gọi bằng chú, bác ruột, một người được miễn việc quan[1]. Đời vua Hiển Tông, năm Cảnh hưng thứ 5 (1774) quy định: Quan và binh mà chết trận đều được tặng chức một bậc; một người con trai của các thuộc viên tùy hiệu chết trận được phong chức bát phẩm, có tài cán thì được bổ dụng, không có tài cán thì ở nhà; quân nhân các sắc mà chết trận thì cho một người con trai được chức cửu phẩm; người chết trận không có con trai thì thuộc viên tùy hiệu cấp cho 5 mẫu quan điền, quân nhân các sắc cấp cho 3 mẫu, giao cho cha mẹ hay vợ con, chỉ được ăn một đời; các quân nhân chết tại mặt trận thì tạm cấp cho mỗi người 3 quan, giao cho cơ đội và làm mộ chí để dễ nhận; tiền, gạo, khẩu phần của quân nhân đã chết vẫn được chia bình thường, cho vợ con hay thân thuộc được truy lĩnh, đợi khi tuyển suất điền khác thì thôi[2]. Sắc chỉ Vua ban quy định rất cụ thể, được thực hiện nghiêm ngặt, bình đẳng, theo sự cống hiến của từng người, vừa thu hút được sự quan tâm, thể hiện sự tôn vinh của toàn xã hội đối với các đối tượng chính sách, vừa động viên được tinh thần chiến dấu dũng cảm của người lính trên chiến trường và gia đình, hậu phương của họ.
    Gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng của từng địa phương, người dân Việt Nam đã lập ra nhiều đền thờ, miếu thờ, phong thần từ Thành hoàng làng đến đức thánh, tổ chức nhiều lễ hội để tưởng nhớ công ơn của những anh hùng vì dân, vì nước. Đền Hùng và Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương thờ cúng và tưởng nhớ công ơn của các đời Vua Hùng. Đền Gióng và Lễ hội Gióng Sóc Sơn thờ cúng và tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng đã có công đánh đuổi giặc Ân để cứu nước. Đền thờ và Lễ hội Đền Kiếp Bạc thờ phụng và tưởng nhớ công ơn của Đức thánh Trần - Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội Đống Đa tưởng nhớ người Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, v.v.. Qua nhiều thế hệ, những chính sách và việc làm ý nghĩa này đã trở thành truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta.


[1] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 3, Nxb KHXH, H.1992, tr.36.
[2] Sđd, Tập 3, tr.37.

Nhận xét