THỜI ĐẠI HIỆN NAY VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG CỦA V.I.LÊNIN


Thượng tá, TS Bùi Xuân Quỳnh
 Chủ nghĩa Mác ra đời tạo ra bước ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng nhân loại, lần đầu tiên những bí ẩn của lịch sử được soi sáng. Sau khi Ph.Ăngghen mất, Quốc tế II bị lũng loạn, chủ nghĩa Mác đi vào thoái trào. V.I.Lênin đã kiên quyết đấu tranh, phê phán quan điểm cơ hội, xét lại của Becxtanh, Cauxki…; những quan điểm sai lầm của Plêkhanốp, Bukharin, Tơrốtxki; chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán E.Makhơ, Avênariuyt.
Đồng thời, V.I.Lênin đã kế thừa, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới. Vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo vào thực tiễn, lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga tiến hành cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại, mở ra thời đại mới trong sự phát triển của loài người. “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[1]. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là thắng lợi của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin, nó khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội khoa học không chỉ là lý luận mà còn là hiện thực. Sau cách mạng, đã tập trung củng cố xây dựng nhà nước kiểu mới - chính quyền Xôviết, chưa hề có trong lịch sử; chống thù trong, giặc ngoài và đề ra Chính sách kinh tế mới, đưa nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng và có những bước phát triển vượt bậc. Chủ nghĩa xã hội từ một nước (Nga) đã trở thành một hệ thống trên thế giới.
Có thể nói, tư tưởng của V.I.Lênin có giá trị hết sức to lớn với sự nghiệp cách mạng nước Nga và cách mạng thế giới; xứng đáng góp phần phát triển, tạo ra sự thống nhất của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong thời đại hiện nay cần được tiếp tục bảo vệ, phát triển. Tuy nhiên, chỉ có thể làm được điều đó trên cơ sở nắm vững được bản chất, đặc điểm, nội dung, tính chất của thời đại hiện nay. Điều này, được C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ dẫn trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848): “Lịch sử tư tưởng chứng minh cái gì, nếu không phải là chứng minh rằng sản xuất tinh thần cũng biến đổi theo sản xuất vật chất? những tư tưởng thống trị của một thời đại, bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị”[2]. Mặt khác, nghiên cứu về thời đại hiện nay còn nhằm xác định rõ bối cảnh của sự phát triển chung trên thế giới và của mỗi quốc gia dân tộc; hiểu đúng thời đại “chúng ta mới có thể định ra đúng đắn sách lược của chúng ta; và chỉ có dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm cơ bản của một thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ”[3].
Nghiên cứu về thời đại là vấn đề được quan tâm và có nhiều quan điểm khác nhau trong lịch sử. Thời đại được phân chia: theo các giai đoạn của một vòng đời có thơ ấu, thanh niên, thành niên, tuổi già (Vicô); thời kỳ phương Đông, thời kỳ Cổ đại, thời kỳ Giéc manh (Hêghen); giai đoạn mông muội, dã man, gia trưởng, văn minh (Phuriê); thời đại mông muội, thời đại dã man và thời đại văn minh (Moócgan); thời đại đồ đá, thời đại đồ sắt, thời đại đồ đồng, thời đại cối xay gió, thời đại máy hơi nước; nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp.
Thuật ngữ “Thời đại” được cả C.Mác và Ph.Ăngghen sử dụng nhiều trong các tác phẩm, và được phân tích sâu sắc nhất ở tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. Trên cơ sở quan điểm duy vật lịch sử, Ph.Ăngghen đã đánh giá cao quan điểm của Moócgan về phân chia thời đại, và khẳng định: "Bức tranh về bước phát triển của nhân loại qua các thời đại mông muội và dã man đến những bước đầu của thời đại văn minh mà tôi và Moóc - Gan đã phác ra ở đây cũng đã bao hàm khá nhiều những đặc trưng mới và hơn nữa, không thể chối cãi được vì những đặc trưng đó đều được trực tiếp rút ra từ sản xuất"5. Chỉ với 2 từ “sản xuất”, Ông đã đặt nền móng cho quan điểm khoa học và cách mạng về thời đại, cơ sở để phân chia thời đại. Mặt khác, bằng việc phân tích làm rõ hơn các giai đoạn trong thời đại mông muội, dã man trong công trình của Moócgan, đã khẳng định thời đại là thời kỳ lịch sử lớn, mỗi thời kỳ lịch sử gồm nhiều giai đoạn khác nhau và có đặc điểm riêng của nó. Từ đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã coi thời đại gắn liền với các hình thái kinh tế - xã hội, “trong mỗi thời đại lịch sử, phương thức chủ yếu của sản xuất kinh tế và trao đổi, cùng với cơ cấu xã hội do phương thức đó quyết định đã cấu thành cơ sở cho lịch sử chính trị của thời đại và lịch sử của sự phát triển trí tuệ của thời đại, cái cơ sở mà chỉ có xuất phát từ đó mới cắt nghĩa được lịch sử đó”1.
V.I.Lênin, trong tác phẩm Dưới ngọn cờ của người khác đã phê phán thói ngụy biện của A. Pôtơrêxốp và sự trở mặt thô bỉ của Cauxky về thời đại, và đã hướng thời đại gắn với các “điểm” cuộc cách mạng xã hội: “Cách mạng Tháng Mười là sự mở đầu của sự thay đổi thế giới giữa hai thời đại lịch sử thế giới: thời đại tư sản và thời đại xã hội chủ nghĩa”[4]. Thời đại, theo V.I.Lênin đều chỉ có tính chất quy ước và không cố định, đều là tương đối chứ không phải là tuyệt đối; thời đại có khi là các giai đoạn và khi xem là thời đại lớn trong lịch sử nó bao hàm các giai đoạn phát triển (thời đại nhỏ): “Thời đại thứ nhất, từ cuộc Đại cách mạng Pháp đến cuộc chiến tranh Pháp ‐ Phổ là thời đại mà giai cấp tư sản đang phát triển mạnh, đang thắng lợi trên mọi mặt… Thời đại thứ hai là thời đại giai cấp tư sản giành được quyền thống trị hoàn toàn và đang bắt đầu đi xuống, đấy là thời đại giai cấp tư sản tiến bộ chuyển thành tư bản tài chính phản động và tối phản động… Thời đại thứ ba, vừa mới bắt đầu, đặt giai cấp tư sản vào một ʺđịa vịʺ tương tự như địa vị của những lãnh chúa phong kiến trong thời đại thứ nhất. Đây là thời đại của chủ nghĩa đế quốc và của những chấn động đế quốc chủ nghĩa hay những chấn động bắt nguồn từ chủ nghĩa đế quốc”[5].
V.I.Lênin cũng đã nhận thấy được nội dung thời đại của mình đó là thời đại với các mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản: mâu thuẫn gay gắt giữa lao động và tư bản; mâu thuẫn giữa các tập đoàn tài chính và giữa các cường quốc đế quốc trong việc tranh giành nhau nguyên liệu và thuộc địa; mâu thuẫn giữa các nước đế quốc chủ nghĩa với các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Người phát hiện ra Nước Nga, ở vào mắt khâu yếu nhất của sợi dây chuyền chủ nghĩa tư bản. Do đó, đã tổ chức Cách mạng tháng Mười Nga mở ra thời đại mới - thời đại chuyên chính vô sản: “Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười - bước ngoặt thế giới diễn ra. Thời đại chế độ nghị viện tư sản đã kết thúc, một chương mới của lịch sử thế giới bắt đầu - Thời đại chuyên chính vô sản”[6].
Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về thời kỳ quá độ giữa các hình thái kinh tế - xã hội, giữa các thời đại: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”[7]. V.I.Lênin không những xác định thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mà còn phân tích sâu sắc những nội dung của thời kỳ quá độ này, điều mà trước đây do điều kiện lịch sử các tiền bối chưa đi sâu làm rõ. Sau này, Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân năm 1957 đã xác định: “nội dung căn bản của thời đại chúng ta là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga”[8].
 Thời đại hiện nay được phân chia thành các giai đoạn: Từ năm 1917 đến năm 1945 (giai đoạn đột phá thắng lợi của cách mạng vô sản ở một nước tư bản kém phát triển, khai sinh ra một chế độ xã hội mới); giai đoạn 2: Sau năm 1945 đến đầu những năm thập kỷ 70 (giai đoạn mở rộng và phát triển chủ nghĩa xã hội ra nhiều nước trở thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới); Giai đoạn 3: Từ cuối những năm thập kỷ 70 đến cuối những năm thập kỷ 80 – giai đoạn nhiều nước xã hội chủ nghĩa rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng; giai đoạn 4: giai đoạn hiện nay (giai đoạn chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào).
Từ cơ sở của sự sản xuất V.I.Lênin đã chỉ ra cơ sở quy định nội dung, tính chất của thời đại đó là giai cấp. Giai cấp nào là trung tâm của thời đại sẽ quyết định nội dung, đặc điểm chủ yếu của thời đại, và giữa các thời đại lớn, có các thời đại của những chiếc cầu nho nhỏ xuyên qua thời kỳ quá độ. Thực chất, về mặt nội dung đó chính là những mâu thuẫn chủ yếu biểu hiện của mâu thuẫn cơ bản ở những giai đoạn lịch sử cụ thể nhất định. Do đó, cùng là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, nhưng giai đoạn V.I.Lê nin là thời đại chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản, còn được gọi là thời kỳ chiến tranh và cách mạng như Đặng Tiểu Bình quan niệm. Kế thừa và với phương pháp lịch sử - cụ thể mà V.I.Lênin đã dạy, Đặng Tiểu Bình đã tiếp tục khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội qua một quá trình phát triển  dài, tất yếu sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản. Đó là xu thế chung không thể đảo ngược của tiến trình phát triển lịch sử”[9] và có cống hiến được coi là quan trọng về thời đại, khi Ông quan niệm: “Hai vấn đề lớn của thế giới là hòa bình và phát triển, đến nay vấn đề nào cũng chưa giải quyết nổi”[10], và chủ đề của thời đại hiện nay là hòa bình và phát triển.
Mặc dù, có sự quanh co và thậm chí có bước thụt lùi, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, cũng không làm thay đổi nội dung và đặc điểm của thời đại. Chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga G.Diuganốp viết: “Thời đại cách mạng do tháng Mười vĩ đại mở ra trong lịch sử thế giới vẫn đang tiếp diễn trong phong trào cách mạng của các dân tộc, trong cuộc đấu tranh giai cấp của họ chống chủ nghĩa đế quốc, nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bất chấp những thăng trầm trong lịch sử hiện đại, những chiến dịch phản cách mạng của đế quốc, mục tiêu xã hội chủ nghĩa của thời đại cách mạng hiện nay vẫn không thay đổi. Những lý tưởng của tháng Mười vĩ đại là bất diệt. Chúng ta vẫn đang ở trong thời đại lịch sử do tháng Mười vĩ đại mở ra”[11].
“Thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới, mở đầu bằng Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, là thời đại đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, gắn liền với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại tạo ra những tiền đề vật chất – kỹ thuật ngày càng đầy đủ cho việc chuyển lên chủ nghĩa xã hội”[12].
Có thể nói thời đại là một thời kỳ lịch sử kéo dài, trong thời kỳ quá độ đó có thể chia nhiều giai đoạn, và những chủ nghĩa xã hội đã có những thăng trầm lịch sử. Song bản chất của thời đại hiện nay vẫn không thay đổi, loài người vẫn trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội với 4 mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; mâu thuẫn giữa tư bản và lao động; mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc; mâu thuẫn giữa các nước tư bản, giữa các tập đoàn tư bản liên, xuyên quốc gia.
Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới lâm vào thoái trào; chủ nghĩa tư bản có những điều chỉnh thích nghi phát triển, phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc và phong trào công nhân trong các nước tư bản chủ nghĩa gặp nhiều khó khăn; chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch với chiêu bài diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ hòng tạo ra sự tự diễn biến, tự chuyển hóa ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Cục diện chính trị thế giới từ hai cực, một cực sang đa cực, đa trung tâm; hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa cùng với xu hướng khu vực hóa, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy. Những vấn đề cấp bách toàn cầu xuất hiện như khủng bố, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm công nghệ cao,... đòi hỏi sự hợp tác của toàn thế giới để giải quyết. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay của thời đại có sự khác biệt lớn so với thời kỳ V.I.Lênin; nó tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với sự phát triển. Đặc biệt, đặt ra nhiều vấn đề mới trong việc nhận thức, nghiên cứu để vận dụng, bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin trong thời đại hiện nay.
Chủ nghĩa Lênin là lý luận và thực tiễn chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và mở đầu bằng cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Trong thời đại hiện nay, bảo vệ, phát triển tư tưởng V.I.Lênin trước hết, cần phải nắm chắc những nội dung cơ bản, khẳng định rõ bản chất khoa học, cách mạng. Trước những biến cố của lịch sử, sự thăng trầm của chủ nghĩa xã hội hiện thực, việc nắm vững bản chất khoa học, cách mạng là cơ sở để bảo vệ và phát triển tư tưởng V.I.Lênin. Đó là hệ thống các vấn đề về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học; xuyên suốt là tiến trình lịch sử phát triển của xã hội loài người, là lý luận về mục tiêu, con đường, động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa, của thời kỳ quá độ. Chỉ có hiểu một cách sâu sắc, toàn diện mới thấy hết được giá trị của tư tưởng V.I.Lênin trong lịch sử và hiện thực. Bản chất khoa học, cách mạng tư tưởng đó cốt lõi chỉ quy vào một từ phép biện chứng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh giá trị, sức sống, cái bản chất, cốt lõi là nắm tinh thần và phương pháp để nhận thức và cải tạo thế giới.
Thứ hai, bảo vệ, phát triển tư tưởng V.I.Lênin trong thời đại hiện nay là đổi mới nhận thức, vận dụng sáng tạo gắn liền với bổ sung, hoàn thiện. Một hệ tư tưởng chỉ được bảo vệ, phát triển tốt nhất khi nó xác lập được giá trị và được vận dụng vào thực tiễn. Quá trình nhận thức, vận dụng nảy sinh và đặt ra yêu cầu bổ sung, hoàn thiện các nguyên lý, quy luật. Đồng thời, kết quả bổ sung, hoàn thiện đó lại là cơ sở cho sự nhận thức và vận dụng tiếp theo làm cho tư tưởng của Người luôn được bảo vệ, phát triển. Bản thân V.I.Lênin đến với chủ nghĩa Mác nhận thức và vận dụng nó trong thực tiễn cách mạng, từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đã bổ sung, hoàn thiện phát triển chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới. Sự phát triển của hệ thống các nước chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu với những thành tựu kỳ diệu là kết quả của mối quan hệ đó.
Bổ sung, hoàn thiện phát triển tư tưởng của V.I.Lênin tập trung vào những vấn đề mà V.I.Lênin đã giải quyết đúng đắn trong thời đại của các ông, nhưng do thực tiễn thời đại đổi thay, nên cần phải có những bổ sung mới. Những vấn đề trước đây đúng nhưng vì ta nhận thức chưa đúng, bây giờ phải nhận thức lại cho đúng. Hoặc những vấn đề  cấp bách do cuộc sống ngày nay đặt ra như Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh mà ở thời đại của Lênin chưa đặt ra hoặc đã đặt ra nhưng chưa thực sự cấp bách. Đồng thời phải khẳng định những tư tưởng, những luận điểm của Lênin, không những đúng với trước kia, bây giờ, mà còn tiếp tục có giá trị hướng dẫn cho hoạt động nhận thức và thực tiễn. Đó cũng chính là những nguyên tắc chúng ta học được từ thực tiễn V.I.Lênin bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác. Ở đó Người đã rút ra kết luận khác với Mác: Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, cách mạng vô sản có thể nổ ra và giành thắng lợi ở một số nước, thậm chí ở một nước riêng lẻ, nếu nó là khâu yếu trong sợi dây chuyền đế quốc chủ nghĩa, và kết luận đó được người vận dụng thắng lợi với Cách mạng tháng Mười Nga. Vấn đề là "chúng ta không sợ phải thừa nhận những sai lầm của chúng ta, chúng ta sẽ nhìn sai lầm đó một cách tỉnh táo để tìm cách sửa chữa"[13]. Điều này được V.I.Lê nin chứng minh qua thực tiễn: "Đúng, Mác và Ăng-ghen đã lầm nhiều và thường lầm trong khi phán đoán cách mạng sẽ nổ ra, trong khi hai ông hy vọng cách mạng sẽ thắng lợi (chẳng hạn, cách mạng năm 1848 ở Đức)"[14]. Trong thời đại hiện nay, Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa nhận thức và vận dụng tư tưởng V.I.Lênin cần căn cứ vào điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, sự phát triển của thực tiễn thời đại để có bổ sung, hoàn thiện.
Thứ ba, Kết hợp giữa trung thành và sáng tạo trong bảo vệ, phát triển tư tưởng V.I.Lênin. Đó là một tất yếu khách quan, bởi bản chất cách mạng vốn có trong tư tưởng chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lênin, “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”[15]. Do đó, cùng với trung thành phải sáng tạo trong nhận thức và vận dụng là phương thức hữu hiệu bảo vệ, phát triển; nếu quên điều này thì chúng ta sẽ làm cho tư tưởng V.I.Lênin trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng. V.I.Lênin đã nhấn mạnh “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”[16]. Bản thân V.I.Lênin là một hình mẫu trong thực hiện điều đó: "Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga"[17]. Do vậy, yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn của thời đại hiện nay những người mác xít phải tự mình phát triển hơn nữa. Chỉ có thông qua bảo vệ, phát triển mới khẳng định lập trường vững vàng, trung thành và sáng tạo của những người cộng sản chân chính chiến thắng được mọi kẻ thù lý luận, tư tưng.
Trung thành và sáng tạo trong bảo vệ, phát triển tư tưởng V.I.Lênin thể hiện ở việc kiên định với nguyên lý, quy luật, những vấn đề có tính nguyên tắc của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và sáng tạo trong cách nghĩ, cách vận dụng vào từng điều kiện. Để thực hiện được điều này cần phải quán triệt đầy đủ các nguyên tắc phương pháp luận biện chứng duy vật khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể, phát triển và thống nhất lý luận và thực tiễn. Khắc phục các biểu hiện giáo điều, máy móc hoặc tùy tiện, vô nguyên tắc, xét lại.
Thứ tư, bảo vệ, phát triển tư tưởng V.I.Lênin trong thời đại hiện nay cần đặt trong chỉnh thể bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng ta hiện nay. Tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất ở mục tiêu, con đường giải phóng và phát triển xã hội trên nền tảng thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt kế thừa, bổ sung và phát triển vào điều kiện cụ thể ở từng giai đoạn, từng quốc gia dân tộc. Tư tưởng V.I.Lênin là sự bổ sung, phát triển và vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn sinh động Nga, nó không phải là hệ tư tưởng độc lập, tách rời với chủ nghĩa Mác, cũng không trùng khít với chủ nghĩa Mác. Do đó, quá trình bảo vệ, phát triển tư tưởng của V.I.Lênin cần gắn với và đặt trong chỉnh thể chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng ta. Kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu đối lập chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa Leenin, đối lập tư tưởng V.I.Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc tuyệt đối hóa tư tưởng này, đánh giá không đúng vị trí, vai trò của tưởng kia đều là sai lầm hoặc có mưu đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Thứ năm, kết hợp giữa bảo vệ, phát triển tư tưởng V.I.Lênin đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội xét lại. Chủ nghĩa Mác khi ra đời là bóng ma ám ảnh Châu Âu, chủ nghĩa Lênin và thành công của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại làm lung lay nền gốc và làm cho chủ nghĩa tư bản run sợ. Quá trình hoạt động lý luận, thực tiễn các nhà kinh điển luôn phải đấu trnah chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội, xét lại. Thực tiễn chưa bao giờ các thế lực thù địch, kẻ thù tư tưởng từ bỏ âm mưu, dã tâm của chúng. Nhất là trong giai đoạn hiện nay của thời đại, bằng “Diễn biến hòa bình” và tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư để điên cuồng chống phá. Vì vậy, bảo vệ, phát triển tư tưởng V.I.Lênin cần phải kết hợp với đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội, xét lại./.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.300-301.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.1995, tr.625.
[3] V.I.Lênin, “Dưới ngọn cờ của người khác”, Toàn tập, tập 26, Nxb CTQG, H.2006, tr.174.
5. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 21, Nxb CTQG, H.1995, tr.53.
1 C.Mác và Ph.Ăngghen, “Lời tựa cho bản tiếng Anh”, Toàn tập, tập 21, Nxb CTQG, H.1995, tr.523.
[4]
[5] V.I.Lênin, “Dưới ngọn cờ của người khác”, Toàn tập, tập 26, Nxb CTQG, H.2006, tr.175-176.
[6] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb CTQG, H.2005, tr.88.
[7] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb CTQG, H.1995, tr.47.
[8] Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn bộ giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại hiện nay, Nxb CTQG, H.1996, tr.130.
[9] Dẫn theo Tiêu Phong, Hai chủ nghĩa một trăm năm, Nxb CTQG, H.2015, tr.551.
[10] Dẫn theo Tiêu Phong, Hai chủ nghĩa một trăm năm, Nxb CTQG, H.2015, tr.551.
[11] Xem: Báo Quân đội nhân dân, Ngày 7-10-2007, tr. 8.
[12] Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn bộ giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại hiện nay, Nxb CTQG, H.1996, tr.130.
[13] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb CTQG, H.2006, tr.187.
[14] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H.2005, tr.293-294.
[15] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H.1999, tr.796.
[16] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, H.2005, tr. 103.
[17] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2005, tr.232.

Nhận xét