GIÁ TRỊ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID19


GK
Trên mặt trận đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, chúng ta vẫn nghe thấy những lời vu khống xảo trá của đám phản động luôn rêu rao, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Chúng lấy cớ đó để tạo đà chống phá sự lãnh đạo của Đảng. Thế nhưng thông qua chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng Nhà nước ta trong chiến dịch phòng chống đại dịch Covid-19 đã minh chứng hùng hồn, đập tan những âm mưu xuyên tạc, vu cáo bịa đặt của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua. Điều này được thể hiện:

Việt Nam từng bị đánh giá là sẽ ảnh hưởng nặng nề nằm kề Vũ Hán - Trung Quốc (nơi khởi phát dịch Covid-19). Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Dù phải đối mặt với khủng hoảng y tế có quy mô toàn cầu, Việt Nam vẫn đang là hình mẫu trong phòng, chống dịch Covid-19 theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như: Liên hiệp quốc, Tổ chức Y tế thế giới…
Lý giải về kết quả khả quan trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó chính là sự đoàn kết, thống nhất từ toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn dân. Chúng ta đã kịp thời dánh giá tình hình bệnh dịch, chủ động xây dựng phương án ứng phó với 5 cấp độ. Thông qua tính hiệu quả của công tác truyền thông mà người dân thường xuyên cập nhật tình hình bệnh dịch, thực hiện các chủ trương, cách thức phòng chống dịch. Người dân cơ bản nhận thức được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, tin tưởng vào chính sách của Chính phủ trong phòng chống dịch. Hơn hết đó là niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng các chủ trương, sách lược đúng đắn. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang đặt sức khỏe, tính mạng con người lên vị trí cao nhất trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Ngay từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích về kinh tế để phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.
Thực tế trong cuộc chiến chống “giặc Covid19”, không một bệnh nhân Covid-19 nào ở Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) bị "bỏ lại phía sau”. Không một mối nguy hại nào từ bệnh dịch đối với cộng đồng mà không được chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương không quan tâm. Bạn bè quốc tế đánh giá rất cao vai trò Chính phủ Việt Nam hỗ trợ điều trị miễn phí hoàn toàn cho người nhiễm virus SARS-CoV-2 và miễn phí sinh hoạt đối với người được cách ly. Đặc biệt, người được cách ly phòng, chống Covid-19 còn luôn nhận được sự quan tâm hết mực, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ từ lực lượng làm nhiệm vụ, trong đó nòng cốt là quân đội, công an và lực lượng y tế.
Chính sách đặt con người ở vị trí cao nhất trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam thể hiện bao trùm trên phạm vi toàn xã hội. Đó là việc đẩy mạnh đầu tư công nhằm xây dựng những công trình thiết yếu phát triển kinh tế, tạo việc làm; giảm mạnh lãi suất điều hành, giãn, hoãn thuế để “tiếp máu” cho doanh nghiệp… Chính sách an sinh XH đã được Chính phủ chỉ đạo kịp thời để từng bước hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, nhất là những người thất nghiệp do dịch bệnh, không để người dân nào đói cơm, lạt muối. Triển khai gói an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ người yếu thế, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Chính sách này cũng góp phần dưỡng sức, tái sản xuất sức lao động, là động lực tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Về đối tượng được hưởng chính sách, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ gồm 7 nhóm đối tượng; trong đó, 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách, một nhóm đối tượng được doanh nghiệp hỗ trợ từ khoản vay lãi suất ưu đãi 0%. Mức hỗ trợ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng lưu ý các đối tượng rất cần quan tâm, cần được hỗ trợ, trước hết là hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, thu nhập giảm sâu do dịch Covid-19.
Trước mối hiểm họa khôn lường của đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước Việt Nam đang làm hết sức vì tất cả người dân. Trong đó, mối ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Điều đó đang được cộng đồng quốc tế công nhận; toàn thể nhân dân ủng hộ. Bởi lẽ đó, việc đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam của Liên minh toàn cầu Vì sự tham gia của công dân không những trở nên thừa thãi mà thông tin này còn hoàn toàn ngược lại so với thực tế.
Đây không phải lần đầu tiên Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt người dân vào vị trí trung tâm trong các đường lối, chính sách lãnh đạo của mình. Mỗi giai đoạn lịch sử, quyền con người ở Việt Nam luôn được coi trọng. Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, tốc độ xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam vượt xa Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Điều đó làm cho Việt Nam trở thành điển hình của thế giới trong công tác này. Với người dân, khi đời sống còn khó khăn, thoát khỏi đói nghèo chính là quyền mang nhiều ý nghĩa nhất trong vấn đề nhân quyền. Nay, khi dịch Covid-19 đang bùng phát, đối với người dân, quyền được bảo vệ sức khỏe trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bảo vệ và phát huy quyền con người luôn là giá trị cốt lõi của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc đặt người dân vào vị trí trung tâm, các chính sách của Đảng Nhà nước đều xuất phát từ nhân dân. Nỗi lo là lo cho dân, cho tính mạng sức khỏe của nhân dân. Đảng ta luôn đặt tính mạng của người dân lên trên hết đó chính là giá trị cao nhất của quyền con người; đây chính là giá trị của nhân quyền ở Việt Nam thể hiện ngay trong việc chống dịch Covid19 chứ không chỉ là những lời nói suông, xáo rỗng, hô khẩu hiệu.

Nhận xét