NHẬN DIỆN BẢN CHẤT CỦA “TÀ ĐẠO”


HT
Theo nhà nghiên cứu Hy Văn (Trung Quốc): "Tà giáo cũng là một loại của hiện tượng tôn giáo mới, nhưng nó là cực đoan, tàn ác". Theo Đại Từ điển Tiếng Việt: "Tà đạo: Tôn giáo khác với tôn giáo được coi là chính thống". Tà đạo là "con đường không chính đáng".
Theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo: "Tà đạo là hoạt động mang hình thức tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân hay nhóm người trái pháp luật, xâm phạm an ninh trật tự, trái với thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam". PGS, TS Đặng Văn Đoài định nghĩa: "Tà đạo là một loại đạo lạ (so với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống) nhưng khuynh hướng hoạt động mê tín, dị đoan, phản văn hóa, vi phạm pháp luật". Theo TS Hà Trọng Thà: "Tà đạo là một tôn giáo mới được hình thành từ một tôn giáo truyền thống nhưng có khuynh hướng ly khai hoặc chống lại chính giáo. Hoặc tà đạo là thuật ngữ dùng để chỉ những tôn giáo mới xuất hiện có nguy cơ đe dọa sự phát triển của tôn giáo chính thống và phải bị loại bỏ. Tà đạo dưới góc độ chính trị - xã hội, dùng để chỉ một tôn giáo tuy được hình thành bắt nguồn từ một số quan niệm của tôn giáo truyền thống nhưng có khuynh hướng cực đoan, chống lại xã hội hiện thực, thể hiện ở giáo thuyết hoang đường, tạo cho tín đồ tâm lý bức bách, dẫn đến hành động cực đoan, thực hành lối sống vô nhân đạo, phi truyền thống".
Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu ra quan niệm: "Tà đạo (tà giáo): Ở nước ta hiện nay ngôn ngữ thường dùng để chỉ hiện tượng tôn giáo mới là những: đạo lạ, tà giáo, tạp giáo với ý nghĩa xấu, tiêu cực, không muốn thừa nhận"
Như vậy, có thể thấy rõ nộ̣i hàm khái niệm “tà đạo” được hiểu khá phong phú, không dễ thống nhất. Ngay yếu tố tà vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Theo chúng tôi, nội hàm khái niệm “tà đạo” phải hàm chứa những vấn đề cơ bản sau đây: Thứ nhất, tà đạo - tà giáo là một loại hiện tượng tôn giáo mới; Thứ hai, tà đạo là một tôn giáo đối nghịch với tôn giáo truyền thống; Thứ ba, tà đạo là tôn giáo vừa có yếu tố đạo và vừa có yếu tố tà, hoạt động trái pháp luật; Thứ tư, tà đạo có tính cực đoan, tàn ác, thậm chí mang màu sắc chính trị, tác động xấu đến an ninh trật tự, cần phải ngăn chặn và loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.
Tuy nhiên, ngoài bốn đặc điểm nhận dạng “tà đạo” nói trên, chúng ta cần nhận diện tà đạo và phân biệt nó với “các hiện tượng tôn giáo mới” trên những vấn đề cơ bản sau đây:
1. Mục đích hoạt động của tà đạo là vì lợi ích của giáo chủ, giả mạo, tự xưng là thần linh để quy tụ tín đồ nhằm thu góp tiền bạc hoặc công kích xã hội đương thời và chính phủ, lấy đó để kích động sự chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, mê hoặc lòng người, lôi kéo quần chúng gây rối trật tự an ninh xã hội; công kích, nói xấu các tôn giáo chính thố́ng.
2. Giáo lý và giáo luật của các tà đạo thường ngụy tạo, trái với thuần phong mỹ tục, phản văn hóa. Thực hành các giáo luật trái với lẽ tự nhiên vi phạm pháp luật.
3. Thực hành nghi lễ của các tà đạo mang nặng yếu tố phản văn hóa, mê muội, cuồng tín, ca ngợi chủ nghĩa thần bí, phản khoa học; tuyên truyền mê tín dị đoan, chà đạp phụ nữ, huỷ hoại sức khoẻ con người, phá hoại hạnh phúc gia đình và ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
4. Phương thức hoạt động của các tà đạo chủ yếu là bí mật, lẩn tránh sự quản lý của nhà nước, lợi dụng những sơ hở của pháp luật, sơ hở trong công tác quản lý của chính quyền để tuyên truyền phát triển đạo. Chúng thường lợi dụng những địa bàn khó khăn, những cộng đồng người có hoàn cảnh đặc biệt để dụ dỗ, lừa bịp, lôi kéo, khống chế người vào đạo.
Tổng hợp những vấn đề nói trên, có thể coi đó là những đặc điểm để nhận dạng và ứng xử với chúng trong đời sống thực tiễn. Vì vậy cần phải tuyên truyền cho những người ngộ nhận tin theo từ bỏ "tà đạo". Các cán bộ làm công tác tôn giáo, công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo cần phải ngăn chặn và loại bỏ "tà đạo" ra khỏi đời sống xã hội (không xem và không thể ứng xử như với các tôn giáo truyền thống.


Nhận xét