MẠNG XÃ HỘI VÀ NHỮNG LỆCH CHUẨN VỀ “THẦN TƯỢNG”




Phương Ngọc
Hàng loạt những “anh hùng” nổi tiếng từ mạng xã hội trở thành “thần tượng” của giới trẻ như Khá Bảnh, Phú Lê, Dương Minh Tuyền... gióng lên hồi chuông đáng báo động về sự lệch chuẩn đạo đức xã hội với tâm lý “thần tượng”, đã vô tình cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật của số đối tượng này.
Thời gian qua, tình trạng đăng tải thông tin sai lệch, cổ súy cho lối sống lệch chuẩn, gây ảnh hưởng tới nhận thức của thanh thiếu niên trở nên phức tạp, nổi lên hoạt động của một số đối tượng hình sự như Khá “Bảnh”, Bình “Trọc”, Dũng “Trọc”, Phú Lê, Dương Minh Tuyền, Tuấn “Hoa Hồng”…. Từ những video clip, phát ngôn gây sốc, hành động “không giống ai” đã thu hút lượng theo dõi đông đảo từ cộng đồng mạng; các đối tượng này ngang nhiên trở thành “thần tượng” của một bộ phận giới trẻ mặc dù trong thực tế đây đều là những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật.
Không chỉ có Khá “bảnh”, nhiều hiện tượng khác nổi lên trên mạng xã hội thời gian qua như Dương Minh Tuyền, Phú Lê... đều theo một khuôn mẫu chung là hơi hướng “giang hồ” đã gióng lên hồi chuông đáng lo ngại trong nhận thức “thần tượng” của một bộ phận giới trẻ hiện nay, sự lệch chuẩn trong ý thức, thái độ đối với các hành vi trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật sẽ tạo tư duy cực đoan, định hướng lệch lạc trong sự phát triển nhân cách và những nguy hại khó lường. Vấn đề này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.
Về chủ quan, đó là sự phát triển chưa hoàn thiện về nhận thức và tâm lý tò mò của giới trẻ. Đứng trước những hiện tượng, những hành vi hay phát ngôn “kì quặc”, những đặc điểm tâm lý này sẽ kích thích sự hào hứng, tìm hiểu và theo dõi của một số các bạn trẻ. Chỉ cần thấy hiện tượng này, hiện tượng kia, người này, người kia nổi tiếng trên mạng xã hội, giới trẻ sẽ chạy theo “xu hướng” của cộng đồng, thường xuyên theo dõi, truy cập, tương tác mà không tìm hiểu sâu xa, tận tường, cặn kẽ trong thực tế những con người ấy có những hành vi gì, là người có đạo đức như thế nào... Nhận định vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã nhấn mạnh “Giới trẻ chỉ thấy người này có nhiều fan thì theo chứ chưa phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai. Như vậy, cần có một khoảng thời gian để giáo dục, cùng với sự lớn lên về thể lực thì trí tuệ cũng khác đi, tự thay đổi nhận thức”-(trích dẫn từ báo Côngannhândân online, cand.com.vn)
Về khách quan, đó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội với trào lưu chia sẻ, lan rộng những “hiện tượng” thu hút sự quan tâm cao của cộng đồng mạng. Hiện nay, tình trạng bùng nổ thông tin trở nên phổ biến. Sự lan truyền nhanh chóng của những thông tin tích cực, tiêu cực, thông tin chính thống, không chính thống hay xấu, độc, tin giả, những bài báo “giật tít, câu view”, thậm chí là video clip, phát ngôn gây sốc, hành vi “kỳ quặc”, trái thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật... gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với đời sống trong thực tế. Cùng với tâm lý tò mò, a dua, hùa theo đám đông trên mạng xã hội, những “hiện tượng lạ” như Khá “bảnh” dễ kích thích sự thích thú của giới trẻ, lan truyền nhanh chóng, tạo tiếng vang và hình thành một lượng “fan” khá đông, từ đó đương nhiên trở thành người “nổi tiếng”. Chính đặc điểm này, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng mạng xã hội để tự đánh bóng tên tuổi, tự đưa mình trở thành “người nổi tiếng” từ một hành vi hay lời nói bất bình thường trên mạng xã hội.
Những tác động mặt trái của mạng xã hội cùng tâm lý phát triển chưa hoàn thiện, chưa sâu sắc của giới trẻ, tâm lý đi theo xu hướng cộng đồng đã hình thành nên những biểu hiện “thần tượng” lệch chuẩn về đạo đức xã hội.
Để loại bỏ vấn đề này cần sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan chức năng. Trong đó, các cơ quan truyền thông và báo chí đóng vai trò quan trọng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phân tích trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành vi sai trái của những đối tượng mà giới trẻ cho là “thần tượng”, làm cho họ thấy rõ đây là những con người không nên được cổ súy, không nên được ủng hộ hay a dua, bắt chước bởi sự lệch lạc trong nhân cách, đạo đức và có hành vi vi phạm pháp luật, coi thường Nhà nước. Từ đó, định hướng trong những người trẻ một thang giá trị đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, đúng với truyền thống thì giới trẻ sẽ thay đổi và loại dần thói quen a dua, chạy theo xu hướng, “thần tượng” mù quáng.
Ngoài ra, việc theo dõi và xử lý nghiêm minh các hành vi đăng tải video clip về những lời nói, hành động lệch chuẩn đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật..., đồng thời tố giác, vạch trần, khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về những hành vi này cũng là giải pháp cần thiết để cộng đồng mạng, nhất là những người trẻ hiểu rõ bản chất vấn đề, từ đó hạn chế sự tương tác, theo dõi, cổ súy, ủng hộ.

Nhận xét