HÀ NỘI, THỦ ĐÔ CỦA PHẨM GIÁ CON NGƯỜI!



Năm 1972, đối với bọn xâm lược đầu sỏ là năm của lưỡi không xương và tiếng sủa càn của bom máy bay B.52. Kết hợp với đường lối ngoại giao lắt léo, con chủ bài máy bay B.52 của các bọn chiến lược quân sự Mỹ được tung ra hết mức, những định hủy diệt cả dân tộc này.
Ních-xơn vừa tiến hành đàm phán vừa ném thêm bom B.52 xuống hai miền Nam, Bắc nước ta. Nich-xơn gọi bom đó là thông điệp của hắn. Kết hợp với bom từ sau ngày 8-5, cả một bộ máy chiến tranh tâm lý khổng lồ hướng suốt ngày đêm vào thần kinh chúng ta, đem bom B.52 ra dọa.
Bạn bè trên thế giới nhiều người mùa hè vừa qua lo lắng. Những bạn giàu niềm thông cảm đến chia bom với chúng ta, những tháng đầu của cuộc leo thang tội ác của giặc Mỹ thường hỏi thăm chúng ta: "Bom B.52 ném xuống Hà Nội thì làm thế nào?". Đây là câu trả lời của một nữ đồng chí tự vệ bình thường người Hà Nội, nhân viên phục vụ khách sạn Thống Nhất, mà bạn bè quốc tế còn nhắc mãi: "Nhà cửa có thể sập, nhưng có một thứ không sập được, đó là con người".
Con người Hà Nội không sập được. Đó là lập trường sống và chiến đấu rất tự nhiên của tất cả mọi người con của Hà Nội. Và, Hà Nội đã trở thành thủ đô của phẩm giá con người.
Con người, như M.Goóc-ki hằng ca ngợi, cái tên đó mới vang lên kiêu hãnh làm sao! Cuộc tiến công tổng lực bằng máy bay B.52 và máy bay F.111 - hai chủ bài lớn của không lực Huê Kỳ - vào một thủ đô đông dân của một nước là một thử thách chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Đối với Hà Nội ta, một tuần qua là một thử thách toàn dân, toàn diện, về cả tổ chức và tư tưởng. Và chỉ có vươn lên mới biết hết sức mình.
Chúng ta có quyền tự hào chính đáng về những đòn phủ đầu trừng trị đích đáng bước leo thang đến tột cùng tội ác của bè lũ Ních-xơn. Chúng ta tự hào phát hiện ra qua thử thách, biết bao khả năng tiềm tàng không bờ bến của cuộc chiến tranh nhân dân trong một thành phố lớn. Nhưng điều làm cho chúng ta tự tin vô hạn, chính là thấy rõ hơn bao giờ hết, trong lòng mỗi người chúng ta và bên cạnh chúng ta, một sức mạnh tinh thần mà không một thứ vật chất nào có thể so sánh được.
Một nhà báo Pháp viết về Hà Nội năm 1972: "Một thành phố luôn luôn sôi động và hài hòa, tài giỏi và bình thản". Bom của máy bay B.52 những ngày vừa qua làm rung chuyển đến tận rễ sâu lương tâm thời đại, không lay động được mảy may cái hài hòa và bình thản rất Hà Nội đó. Nơi Xin-han, nhà văn Mỹ, trong bài tựa cuốn sách nghiên cứu về chiến tranh không quân Mỹ ở Đông Dương của Trường đại học Coóc-nen: "Thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc". Nói chính xác hơn, đây là thắng lợi của văn minh chống bạo tàn, chính nghĩa thắng phi nghĩa, bạo tàn và phi nghĩa lộng hành một cách man rợ dưới những hình thức tệ hại nhất, đang đi tới những điểm tột cùng của sa đọa.
Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội, đó là tổng hợp tất cả những cái gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn Việt Nam cao quý. Người Hà Nội đã học cái hào khí chỉ chờ dịp bùng nổ của Sài Gòn và Huế bất khuất, cái lạc quan trong sáng của Củ Chi đất thép, cái quật khởi của đồng bằng sông Cửu Long đang nổi dậy, cái kiên cường của dải đất chân núi Trường Sơn, cái kiên trì không bờ bến của Tây Nguyên, gan vàng dạ sắt của những người làm nên những sự tích anh hùng ở đường số 13 và Quảng Trị. Hà Nội khơi dậy tự trong lòng mình sức trẻ mới của một xã hội đang đi lên, kết hợp với truyền thống nghìn xưa, quyện trong không khí và mỗi tấc đất thấm máu anh hùng của Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội.
Chiến đấu là có đau thương, Người Hà Nội trước hết nghĩ đến cả nghìn Sơn Mỹ, Mỹ Lai ở miền Nam, nghĩ đến Sài Gòn, Huế đang nghẹt thở dưới bạo lực phát-xít, nghĩ đến con em chúng ta đang anh dũng xông lên trên tất cả các mặt trận, nghĩ đến bao nhiêu người con yêu của dân tộc đang giữ vững lòng trung ở những lao chuồng cọp. Người Hà Nội nghĩ đến Nguyễn Thái Bình, người con của Sài Gòn, với lời nói cuối cùng của anh bảo thẳng vào mặt Ních-xơn: "Tôi biết rằng tiếng nói của tôi không át được tiếng gầm rú của máy bay B.52... Trái bom duy nhất của tôi là trái tim tôi". Và Hà Nội thấy rằng mình phải trả thù cho tất cả, xứng đáng với tất cả.
Một nhà báo nước ngoài gần đây viết về cuộc chiến đấu của dân tộc ta: "Xưa nay chưa từng có một dân tộc nào nhỏ như vậy lại có một trọng lượng như vậy đối với lịch sử".
Một thủ đô bao giờ cũng có một trọng lượng nhất định đối với đời sống một dân tộc. Người Hà Nội nhận thức rõ điều đó.
Sài Gòn ơi, Hà Nội viết tiếp những trang sách lớn vào cuốn sách mà đồng bào, đồng chí Sài Gòn đã viết. Những trang sách lớn về con người Việt Nam chúng ta cao quý./.

Nhận xét