GÓP PHẦN NHẬN DIỆN BIỂU HIỆN DÂN TÚY TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY




                   HT

Thuật ngữ chủ nghĩa dân túy xuất hiện những năm 1890. Chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy do sự trì trệ về kinh tế, sự già hóa dân số và mức thu nhập không tăng làm cho đời sống của người dân, nhất là những người yếu thế không được cải thiện làm gia tăng sự bất mãn của người dân. Sự quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân của giới quan chức cầm quyền đã tạo ra khoảng cách lớn giữa lợi ích và tiếng nói người dân với chính quyền; những khó khăn, bức xúc của người dân không kịp thời phát hiện, giải quyết…
Có thể nhận diện biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trên hai phương diện về phát ngôn và hành động
 Về phát ngôn
- Đòi xét lại những nguyên lý xây dựng Đảng, đòi đa nguyên, đa Đảng. Từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, phủ nhận công lao với đất nước của các thế hệ đi trước. Lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, vấn đề nóng, các tiêu cực trong bộ máy, các tệ nạn xã hội mà xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
   - Những người chỉ nói hay, diễn thuyết giỏi để lấy lòng dân, nhưng không có những hành động, việc làm vì dân như đã nói.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ3.
  Đó là những động thái “nói suông”, “hứa suông”, “hô khẩu hiệu nhưng không có hành động thiết thực”, lấy lòng dân nhằm che đậy những động cơ, mục đích thiếu trong sáng, vụ lợi, cơ hội chính trị. Đây là chính sách của kẻ cơ hội tìm cách để giành được lòng tin của quần chúng và dư luận bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước4.
 Về hành động
Chủ nghĩa dân túy được thể hiện ở những người biết khai thác, sử dụng sức mạnh của các phương tiện truyền thông, của mạng xã hội để quảng bá, đánh bóng tên tuổi của mình thông qua một số hành động, việc làm nào đó, hay hành xử theo kiểu “của người phúc ta”, “lấy của làng đãi ăn mày”.
Đặc biệt, họ biết chọn thời điểm để toả sáng, để ra tay nghĩa hiệp và sử dụng hành động, việc làm của mình để tạo sự đồng cảm, từng bước tạo sức ảnh hưởng đến dự luận và nhân dân. Đấy là thủ đoạn chính trị!
Những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay
Hiện nay, ở Việt Nam, chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa”, nó chỉ tồn tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng không thành hệ thống lý luận và biểu hiện ở phát ngôn, hành động vụn vặt của một số người, nhưng sức nguy hiểm của các quan điểm, tư tưởng và hành động này là không nhỏ5.
 Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”6. Nó rất gần với những gì đã và đang xảy ra trên thế giới, ở chỗ những phát ngôn, lời nói và hành động mang tính dân túy đã nhất thời lấy được lòng dân vì những cá nhân này đã biết khai thác tâm lý chán ngán của người dân về hình ảnh mô phạm, nhàm chán của các chính trị gia chính thống, “sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh mẽ, cực đoan nhưng dễ hiểu với đa số mọi người, hứa hẹn về quyền lợi cho số đông, thổi bùng ý niệm về sự xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số…”7.
    Ở một khía cạnh khác, những cá nhân, những con người hành xử theo hướng dân túy như đã nói ở trên cũng đã thu được những kết quả, trở thành “nhân vật của truyền thông”, thậm chí đã từng đạt đến vị trí cao trong nấc thang quyền lực.Và với cách nói suông, hứa nhưng không làm của những người dân túy sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đến sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước. Đây là một trong những tác động rất lớn của chủ nghĩa dân túy đến sự phát triển của Việt Nam.
    Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân thấy rõ những biểu hiện, nguy cơ và tác hại của chủ nghĩa dân túy. Trong nhiều trường hợp, người dân không thể phân biệt được đâu là người theo hay không theo chủ nghĩa dân túy, dễ nhầm lẫn giữa người vô nguyên tắc, vô chính phủ với người mạnh mẽ đổi mới.
    Trong khi đó, sự cổ súy từ những cây bút có chủ ý hoặc do non nớt về chính trị của một số tờ báo và một số trang mạng xã hội sẽ đem đến sự nhầm lẫn trong đánh giá. Ngay từ bây giờ, cả hệ thống chính trị và mỗi công dân cần nhận thức rõ, biết cảnh giác và phải từng bước đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy dưới mọi màu sắc./.

Nhận xét