“Đạo đức không thể xây trên nền định kiến và quy chụp”!


TƯ NGUYÊN
Ngày 6-12-2019, trả lời cử tri tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, “Thành phố chưa bao giờ cho phép Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) thực hiện thử nghiệm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây”.
Lập tức, đại diện JEBO khẳng định, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát biểu sai sự thật! Cơ sở JEBO dựa vào là văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký “Đồng ý cho đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với JVE thực hiện thí điểm xử lý làm sạch môi trường nước trên một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng nguồn tài trợ của bên Nhật Bản”! Không cần biết văn bản đó chỉ liên quan JVE, không dính dáng đến JEBO, rất nhanh chóng, một số địa chỉ truyền thông nước ngoài và một số tờ báo ở trong nước như về hùa với đại diện JEBO để mở “chiến dịch” tiến công ông Nguyễn Đức Chung, nhiều người khác lên mạng xã hội để chửi bới, rủa xả, dạy dỗ... trong đó có một số phóng viên, và điển hình là trạng thái trên Facebook của nam phóng viên ở một báo điện tử viết rằng sự kiện này “cho thấy trình độ quan trí chẳng khác gì nước sông Tô Lịch”!
Mọi sự trở nên rõ ràng sau khi JEBO lên tiếng xin lỗi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thừa nhận về mặt pháp lý JEBO không phải là đơn vị xin phép, lập tức nhiều người tham gia “chiến dịch” này lờ đi, xin lỗi, lẳng lặng xóa trạng thái,... nhưng đến nay tờ báo hăng hái nhất vẫn giữ nguyên các bài đã đăng, giữ nguyên các ý kiến tiêu cực hướng vào lãnh đạo TP Hà Nội. Chuyện chưa lắng xuống thì sau khi có người đưa ra bức ảnh Đội tuyển U22 Việt Nam chụp chung với một số vị trong Ban Tổ chức trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30, rất nhiều người đã nhanh chóng lên mạng hùa nhau công kích “họ công lao gì mà chen lên trước mặt HLV và cầu thủ để chụp ảnh”! Dù không ít người tỉnh táo đã chỉ rõ bức ảnh là một thủ tục để kỷ niệm cuộc trao giải, trong tám người chụp chung chỉ có hai người Việt Nam, song bất chấp sự thật, nhiều người vẫn chửi bới, xúc phạm quan chức Việt Nam không tiếc lời. Đến mức dẫu biết nếu lên tiếng sẽ bị “ném đá”, nhà văn Trần Nhã Thụy vẫn phải viết trên Facebook: “Từ lúc chơi Fb đến giờ, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu lần các anh chị share (chia sẻ) ầm ầm một tấm ảnh mà không rõ nguồn. Share những tin tức xấu như là vớ được vàng. Không chỉ share mà các anh chị còn hùa theo chửi bới, mạt sát người ta bằng những lời lẽ kinh khủng nhất. Khi biết đó là fake (giả mạo), mình nhầm, mình sai, các anh chị cũng không bao giờ nói một lời xin lỗi. Các anh chị xem chuyện “ném đá” là bình thường. Và, cứ tiếp tục trò ấy. Phàm ở đời, cái gì mình không biết, hoặc biết chưa chắc chắn thì đừng vội lên tiếng. Nhưng dường như các anh chị tin vào cái xấu hơn là tin vào điều tốt?”.
Sau khi phân tích chỉ rõ sự xác đáng của bức ảnh, nhà văn Trần Nhã Thụy viết tiếp: “Tôi nghĩ, dù tiến công ai thì cũng trên tinh thần chính nghĩa. Đạo đức không thể xây trên nền định kiến và quy chụp. Các anh chị đang chứng tỏ mình tôn vinh ông Park và các cầu thủ, hay các anh chị chỉ muốn tôn cái tôi của mình lên?” - Đó là ý kiến chí lý, kèm theo một câu hỏi cũng chí lý không kém.

Nhận xét