NGHỆ THUẬT NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH



Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện tầm vóc, trí tuệ lớn lao và tình cảm sâu sắc của Người trong những mối quan hệ hết sức đa dạng, phong phú đối với mọi lớp người ở các cương vị và thuộc các dân tộc khác nhau.
Một lần tại bữa tiệc do Hầu Chí Minh (người góp phần đưa Bác ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch) chủ nhiệm Cục chính trị đệ tứ chiến khu chiêu đãi, hôm đó có Bác và Nguyễn Hải Thần cùng dự. Nguyễn Hải Thần rất tự phụ về vốn Hán học của mình và nhân dịp này đã ra một vế đối: “Hầu Chí Minh - Hồ Chí Minh, lương vị đồng chí, chí giai minh” (Hầu Chí Minh - Hồ Chí Minh hai vị đồng chí, chí đều sáng).
Khi mọi người còn đang nghĩ vế đáp, thì Bác ứng khẩu: “Nhĩ cách mệnh ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách (anh cách mạng tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách). Chỗ khó và hay của về đối là hai chữ “chí và minh” là tên của hai nhân vật chính trong bữa tiệc, cái tài tình của vế đáp của Bác là vừa kịp thời, hợp cảnh và chuẩn chỉnh cả ý lẫn từ nhưng nâng tầm nhận thức, tư tưởng cao hơn, mang tính cách mạng hơn. Hầu Chí Minh hết lời ca ngợi người đối đáp “đối tuyệt lắm, tuyệt lắm”. Nguyễn Hải Thần cung kính thốt lên: “Hồ Tiên sinh, tài trí mẫn tiệp, bội phục, bội phục”.
Nǎm 1946 Bác sang Pháp, người phụ trách làm hộ chiếu xin phép Bác làm thủ tục. Bác vui vẻ nói: “Chú cứ hỏi, Bác trả lời đầy đủ”. Đến câu thân sinh Bác là gì? Bác cười, trả lời hóm hỉnh: “Bác là Hồ Chí Minh thì, ông cụ thân sinh là... Hồ Chí Thông!”. Mọi người nhìn nhau cười vui vẻ. Một lần có nhà báo nước ngoài hỏi Bác: “Có phải Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc không?”. Bác trả lời: “Ông cứ đến ông Nguyễn Ái Quốc mà hỏi”.
Lần khác nhà báo nước ngoài xin phỏng vấn Bác, ông ta đặt câu hỏi: “Thưa Chủ tịch, trước hoạt động ở nước ngoài, vào tù ra khám, nay làm Chủ tịch nước. Chủ tịch thấy có thay đổi trong đời mình không?” Bác trả lời hóm hỉnh: Không, không có gì thay đổi cả, lúc bị tù ở Quảng Tây luôn luôn có hai lính gác giải đi, lúc trong tù mỗi ngày 5 phút được hai người lính bồng súng dẫn ra dạo chơi. Nay làm Chủ tịch nước đi đâu cũng có hai đồng chí mang súng lục đi theo, ông thấy có gì thay đổi không nào?”
Nǎm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam đến vùng biển Cam Ranh, Bác nhận đươc bức điện của Đô đốc D’Argenlieu xin gặp Bác trong cảng, mục đích của chúng là giễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Bác. Trong bộ quần áo giản dị Bác ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu. D’Argenlieu giọng mỉa mai bóng gió: “Thưa ông Chủ tịch, ông đã được đóng bộ khung rất đẹp của hải và lục quân đó.” Bảc thản nhiên mỉm cười: “Đô đốc biết đó, giá trị là ở bức họa chứ không phải bộ khung. Chính bức họa đem lại giá trị cho bộ khung”. Bất ngờ và cay cú trước tài ứng xử thông minh của Bác, cả hai không dám nói xách mé nữa mà tỏ ra rất lịch lãm và kính phục.
Nhiều người thường nhắc tới câu chuyện về cách ứng xử của Bác trong lần tới thăm Bộ trưởng Bộ nước Pháp Hải ngoại Marius Moutet năm 1946. Ông ta đi từ trên thang gác xuống đón Bác, Bác đi lên. Moutet giơ tay ra bắt tay, nhưng Bác lại bế bé gái đi cùng ông ta lên đã, âu yếm cháu trong khi vẫn bước lên. Chỉ khi ở bậc thang ngang với Moutet, Bác mới đưa tay ra. Nếu Bác giơ tay đáp lại ngay thì trong tấm ảnh của các nhà báo chụp phút đó Bác sẽ ở vị thế dưới Moutet, là điều mang ý nghĩa tượng trưng không hay cho ta.
Trong cuộc tiếp xúc với hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 2/2/1949, phóng viên hỏi Bác: “Đối với cuộc đàm phán giữa cựu hoàng Bảo Đại với Chính phủ Pháp, lập trường của Chủ tịch là thế nào?”, Người trả lời: “Chúng tôi không nhìn nhận những cuộc đàm phán ấy.”
Phóng viên lại hỏi: “Người ta có thể coi cựu hoàng Bảo Đại vẫn giữ chức tối cao cố vấn của Chính phủ Việt Nam không?”, Người trả lời: “Ông ta đã tự cách chức ấy rồi.” Phóng viên vẫn chưa chịu, bèn hỏi tiếp: “Nếu Bảo Đại trở về Việt Nam với những hiệp định Chính phủ Pháp cho Việt Nam độc lập và thống nhất thì thái độ của Cụ sẽ thế nào?”, Người trả lời: “Xin ông xem câu trả lời số 1 và số 2”.
Trả lời câu hỏi về vấn đề ngoại giao, Bác nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.
Trong hầu hết các cuộc phỏng vấn, Bác luôn duy trì thế chủ động và tinh thần tấn công đối với những câu hỏi thiếu thiện chí, nhưng lại với văn phong hài hước, nhẹ nhàng.
Trong cuộc họp báo liên quan tới thoả thuận về sự hoà giải giữa Việt Minh, Việt Nam Cách mạng Đồng minh và Việt Nam Quốc dân đảng, ngày 26/12/1945, có nhà báo hỏi Bác: “14 điều thoả thuận đăng trên báo Việt Nam (Cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc dân đảng) có đúng không?”.
Bác trả lời: “Đúng, nhưng phải thêm một điều nữa là đôi bên đã đồng ý với nhau chưa nên công bố, không hiểu sao báo Việt Nam lại đăng. Có lẽ báo ấy quên chăng?”. Tiếp đó, nhà báo khác lại hỏi: “Báo Liên hiệp đăng Chính phủ Việt Minh từ chức nghĩa là gì?”. Bác bèn hỏi lại: “Làm gì có Chính phủ Việt Minh, mà đã không có thì từ chức làm sao?”
Trước khi kết thúc chuyến thăm Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời dự một cuộc họp báo lớn. Rất đông nhà báo Ấn Độ đã đến chật hội trường. Sau khi chào hỏi mọi người xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận câu hỏi của các nhà báo. Câu hỏi tập trung nhất, hóc búa nhất là: “Thưa Chủ tịch! Trước khi Chủ tịch sang đây, ông Ngô Đình Diệm đã nói xấu miền Bắc đủ điều. Chủ tịch có ý kiến gì về những lời nói xấu ấy không?”. Chủ tịch Hồ Chí Minh vui vẻ trả lời:
- Tôi sang đây là để thăm nhân dân Ấn Độ, chứ không phải để đi nói xấu ông Diệm. Các bạn có gì thắc mắc, xin cứ hỏi ông Diệm.
Cả hội trường lập tức đứng phắt dậy, vỗ tay kéo dài hơn 10 phút đồng hồ. Họ bảo chưa thấy chính khách nào trả lời báo chí hay như thế.
Còn nhớ, năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ở vào thời kỳ ác liệt và Pháp đã thua tơi bời trên khắp cả nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số tướng lĩnh khác. Một nhà báo nước ngoài đã tìm cách đến được Việt Bắc để phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh mấy câu rất nóng lúc bấy giờ. Ông ta đến chào Hồ Chủ tịch và đặt ngay câu hỏi:
- Xin chúc mừng Chủ tịch đã có sự giúp việc của một số vị tướng. Vậy căn cứ vào đâu mà phong hàm như thế?
Vì ở nước ta lúc ấy chưa thể có các học viện quân sự cao cấp để đào tạo, nâng cao các cán bộ quân sự chiến lược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bình thản trả lời:
- Như ông đã biết, chúng tôi dùng cách đánh du kích để thắng Pháp. Vì vậy, việc phong quân hàm, chúng tôi cũng theo cách du kích thôi. Ai đánh thắng một quan ba Pháp thì chúng tôi phong là quan ba. Như thế còn khiêm tốn đấy, đáng lẽ phải phong quan tư. Nếu như thế thì đồng chí Võ Nguyên Giáp của chúng tôi đáng được phong mấy lần đại tướng kia! Vì đã đánh thắng nhiều đại tướng, đô đốc của Pháp.
Hồ Chí Minh là người tiêu biểu cho nguyện vọng của toàn dân. Tuyên ngôn hành động và cũng là lời thề cao quý của Người đối với dân, với nước là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Nguồn: Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, Theo dòng sử Việt

Nhận xét