Người giữa bầy quỷ



(Mỹ Lai, 16/3/1968)
Bay cao 10 feet (3m), trực thăng của Thompson thấy đại úy Medina đạp một phụ nữ, lùi lại và xả cả băng đạn vào người bà. "Chó chết", họ hét lên từ trên máy bay.
Rồi họ thấy mương đầy xác người, nhưng vẫn còn vài người nhúc nhích. Thompson hạ cánh, hỏi trung úy và trung sĩ đứng đó xem có thể giúp những người bị thương được không. Trung sĩ nói sẽ giúp họ thoát khỏi đau khổ. "Đừng đùa nữa, giúp họ ra khỏi đó", Thompson nói. "OK, sếp, chúng tôi sẽ lo việc đó".
Họ vừa bay lên thì lính xả súng xuống mương.
Họ thấy một đứa trẻ ôm chân mẹ ra khỏi hầm. Bộ binh tiến đến. Thompson nhớ lại: "Họ chỉ có 15 giây để sống. Không thể để việc đó tiếp tục xảy ra. Nên chúng tôi lại hạ cánh. Tôi nói với cơ trưởng và xạ thủ: 'Yểm trợ cho tôi. Nếu họ (bộ binh) bắn thì các anh cũng bắn'".
Thompson bước đến trung úy và nói muốn sơ tán những người trong hầm. Viên sĩ quan bảo nên ném lựu đạn vào đó. "Tôi đã ra lệnh cho người của tôi giết các anh nếu các anh dám bóp cò", Thompson quát.
Khi được hỏi lúc đó có thực sự định bắn vào đám bộ binh phe mình không, xạ thủ Colburn trên trực thăng của Thompson nói: "Nếu lúc đó tôi mà biết 125 trẻ em dưới 5 tuổi đã bị giết. Nếu tôi trông thấy, vâng, tôi sẽ bắn".
Thompson dỗ mọi người rời hầm. Có đến 10 người, quá 9 so với khả năng chứa của trực thăng. Thompson lăm lăm súng ngắn đứng chắn giữa họ với đám bộ binh và gọi trực thăng mang họ đi.
Cuộc đối đầu với đám bộ binh diễn ra 10 phút. Với nước Mỹ, có lẽ đó là lần đầu tiên trực thăng chiến đấu làm nhiệm vụ nhân đạo. Hôm đó, trực thăng này còn hạ cánh lần nữa và Andreotta tìm được thêm một cậu bé còn sống giữa đống người chết để đưa đi bệnh viện.
Nhóm Thompson báo cáo về vụ thảm sát ngay sau sự kiện và được nhận huy chương vì dũng cảm cứu dân. Để phủ nhận có thảm sát, quân đội Mỹ âm thầm ngụy tạo báo cáo rằng nhóm Thompson đã "cứu dân giữa giao tranh" với chữ ký giả của Thompson và Colburn.
Khi sự việc vỡ lở và nhóm Thompson ra điều trần, họ lại bị coi là nhân chứng đáng ngờ với bằng chứng là các báo cáo giả, bị hắt hủi vùi dập trong nhiều năm. 30 năm sau, quân đội Mỹ mới vinh danh nhóm Thompson với Huân chương Chiến sĩ cho hành động cứu người tại Mỹ Lai.
-CT-

Nhận xét