NÊU GƯƠNG – MỘT BIỆN PHÁP HỮU HIỆU TRONG XÂY DỰNG CHỈNH ĐỐN ĐẢNG



Hồng Quân

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: Đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[1]. Và chính Người trong quá trình hoạt động cách mạng gian khổ đã luôn là một tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, tác phong công tác, đó là sự hội tụ tốt đẹp nhất giữa tư tưởng, lời nói và hành động. Tấm gương mẫu mực của Bác đã lan tỏa mạnh mẽ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, để lại những hình ảnh đẹp về lớp cán bộ học trò của Bác. Những tấm gương đạo đức cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đã góp phần quy tụ sức mạnh nhân dân cả nước.
Ngày nay, đất nước đã hòa bình độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Những yêu cầu, nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên cách mạng có sự phát triển mới. Trong bối cảnh đó, một số cán bộ đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện xa vào lợi ích cá nhân, chạy theo vật chất tầm thường dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa như đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra. Để khắc phục tình trạng đó cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ngày 25/10/2018 là giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng vừa mang tính cơ bản, cấp bách và thường xuyên lâu dài.
Theo quy định trên, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Thực hiện tốt việc nêu gương sẽ có hiệu ứng lan tỏa, lôi kéo quần chúng noi theo như nhân dân ta thường nói "đảng viên đi trước, làng nước đi sau". Nêu gương còn là sự tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện năng lực và phẩm chất của mỗi cán bộ, đảng viên từ đó nâng tầm cán bộ góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2002, tr.263.

Nhận xét