VIỆT NAM HÔM NAY





Hồng Quân
Năm 2018 khép lại với nhiều niềm vui và sự tự hào của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của chính phủ. Đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn. Có thể nói, trong 10 năm trở lại đây, năm 2018 để lại những con số đẹp của nền kinh tế với GDP của Việt Nam đạt mức kỷ lục 7,08% cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo trước đó. Theo Tổng cục Thống kê, Năm 2018, Việt Nam có kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017. Trong năm 2018, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Những con số ấn tượng về kinh tế, đồng thời các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh cũng phát triển tương xứng. Nhìn tổng thể giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giữa xây và chống đều rất ấn tượng góp phần tạo ra bức tranh đẹp nhiều màu sắc. Và đặc biệt là sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra ở Hà Nội, đã cho thấy, những con số đó biết nói. Sự lựa chọn địa điểm ở Hà Nội của sự kiện hướng tới Hòa Bình đó cũng không bất ngờ bởi Việt Nam là mẫu số chung cho cả Mỹ và Triều Tiên. Chúng ta có những điểm chung mà không nơi nào có được. Việt Nam là một đất nước từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đổ nhiều xương máu để có được nền hòa bình, nên tổ chức một sự kiện hướng về hòa bình ở mảnh đất này thật là ý nghĩa; mảnh đất này đã hồi sinh, đứng dậy từ bom đạn, chiến tranh và 20 năm chia cắt đau thương từ năm 1954 sau Hiệp định Geneva cũng rất có ý nghĩa cho Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt từ năm 1953 sau Hiệp định Bàn Môn Điếm. Việt Nam từ một quốc gia đối đầu với Mỹ, nay trở thành đối tác toàn diện; Việt Nam từ một nền kinh tế tập trung bao cấp đã chuyển mình, trở thành nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế. Và đó là những điều mà cả Mỹ và Triều Tiên đều nhìn thấy ở Việt Nam một cơ hội cho sự hòa giải, một cơ hội cho sự thống nhất, và một cơ hội cho sự phát triển.
Với tinh thần “trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai” dân tộc Việt Nam đã vượt qua muôn vàn thử thách để bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và hội nhập đạt được kết quả tốt đẹp như hôm nay./.

Nhận xét