VÌ SAO QUÂN ĐỘI LUÔN PHẢI ĐẶT DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO TUYỆT ĐỐI, TRỰC TIẾP VỀ MỌI MẶT CỦA ĐẢNG?



hạm Trung
Bất cứ quân đội nào cũng luôn gắn với chính trị. Quân đội ra đời từ nguồn gốc sâu xa là chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất làm xuất hiện xã hội có phân chia giai cấp. Mâu thuẫn giai cấp đối kháng sinh ra nhà nước. Nhà nước thành lập lên quân đội. Quân đội có nhiệm vụ thực hiện đường lối chính trị của giai cấp này hay giai cấp khác, nhà nước này hay nhà nước khác bằng những thủ đoạn bạo lực vũ trang. Bản chất chính trị - xã hội, chức năng của nhà nước quyết định bản chất chính trị - xã hội và chức năng quân đội của nhà nước đó.
Nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời có chức năng cơ bản là duy trì trật tự xã hội hiện hành và buộc giai cấp nô lệ phải phục tùng nhà nước, chinh phục các nước khác và chống ngoại xâm để phục vụ cho lợi ích của giai cấp chủ nô. Để thực hiện chức năng cơ bản ấy, tất yếu giai cấp chủ nô, nhà nước chiếm hữu nô lệ phải tổ chức ra quân đội. Quân đội đó được sử dụng để đàn áp sự chống đối và làm công cụ bạo lực để thực hiện đường lối chính trị của giai cấp chủ nô.
Quân đội của nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản cũng ra đời như vậy. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực để thực hiện đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước thống trị. Ở các nước tư bản, quân đội luôn là công cụ bạo lực quan trọng nhất để duy trì quyền thống trị về kinh tế, chính trị của giai cấp, nhà nước tư sản, bảo vệ chế độ tư bản chủ nghĩa.
Ở Việt Nam hiện nay, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã tổ chức ra quân đội, sử dụng quân đội làm công cụ bạo lực để đánh đuổi đế quốc, tay sai, lật đổ chế độ phong kiến giành quyền làm chủ đất nước, đưa đất nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chủ nghĩa tư bản. Trong giai đoạn này, tất yếu giai cấp công nhân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn phải tổ chức, xây dựng quân đội để duy trì quyền làm chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống lại sự phản kháng, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.[1].
Tất cả những quan điểm cho rằng: Quân đội là trung lập, không gắn liền với chính trị, không phải của giai cấp, nhà nước nào; quân đội chỉ có chức năng bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không có chức năng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hôi; .v.v. đều là những quan điểm ngụy biện, phản khoa học. Những quan điểm trên hoặc là muốn che đậy bản chất giai cấp của quân đội (khi giai cấp tổ chức ra quân đội ấy đã lỗi thời, lạc hậu, phản động), hoặc là muốn “phi chính trị hóa”, làm cho quân đội mất phương hướng, vô hiệu hóa sức mạnh chiến đấu của quân đội (nếu đó là quân đội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động tổ chức ra).



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội 2016, tr.150.

Nhận xét