LUẬN ANH HÙNG



----------------
(Hay là chuyện về hai thiếu tướng - anh hùng, theo góc nhìn của báo mạng VN)
Viết về chủ đề này, thì người ta thường hay nói về Lưu Bị và Tào Tháo. Nhưng đây là chuyện Việt Nam. Chuyện về 2 thiếu tướng, cùng xuất thân từ Thanh Nghệ, cùng được phong Anh hùng.
ANH HÙNG 1
Kỉ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới, "trên" cởi trói cho báo chí viết. Báo chí lao đi đủ các hướng để tìm tư liệu, trong đó có phỏng vấn các nhân chứng của chiến tranh.
Đại để, trong số đó có 1 anh hùng quân đội, thậm chí còn là một trong những anh hùng quân đội trẻ nhất toàn quân thời đánh Mỹ. Anh hùng 1 đã có thời kì chỉ huy chiến đấu ở Vị Xuyên, Hà Giang, về sau là thiếu tướng, giám đốc bảo tàng cột cờ. Chức này rất to, vì nó là cục trưởng cục bảo tàng của toàn bộ quân đội nhân dân, quản lí công tác bảo tàng của các quân khu, quân chủng, quân đoàn ...
Chỉ có điều, khi nghe anh hùng 1 trả lời phỏng vấn, thì người ta chỉ còn biết bụm miệng cười. Những người cùng thời 84-87 ở Vị Xuyên có lẽ là rõ nhất, vì cái gọi là "chiến đấu ở biên giới Vị Xuyên" nguyên văn là thế này:
Tháng 04/1985 (tức gần 01 năm sau trận 12/07/84), Anh hùng 1 - lúc đấy đang là thiếu tá - dẫn 1 trung đoàn của đặc khu Quảng Ninh sang chi viện, thay chốt cho quân của E266/F313 ở Pa Hán.
Lúc bấy giờ, không nói ra, nhưng ai cũng hiểu trận đánh này là để thử thách 1 Anh hùng - 1 biểu tượng của toàn quân, của toàn thế hệ trẻ thời đánh Mỹ. Năm đó, thiếu tá mới 35 tuổi. Vượt ải này, thì thiếu tá sẽ thành sĩ quan cao cấp, chắc chắn sẽ được đi học ở các Học viện quân sự lừng danh của anh cả Liên Xô, sẽ được bồi dưỡng thành cán bộ cấp sư đoàn, quân đoàn, quân khu. Thiếu tá có thể sẽ còn tiến xa hơn nữa, nhờ uy tín chính trị mình có được.
Khỏi phải nói, lúc bấy giờ hỏi bất cứ cựu chiến binh nào của F313 giai đoạn đấy, họ đều nói ngay về trung đoàn này. Họ không nhớ trung đoàn đấy phiên hiệu là gì, nhưng gọi chết tên là trung đoàn của Anh hùng 1. Bên kia biên giới, đài tâm lý chiến Tàu khựa cũng gào rống tên Anh hùng 1.
Màn thể hiện của Anh hùng 1 trong chiến trận thế nào không rõ, chỉ biết là ngay khi chuyển quân, thì lính Hà Giang đã kêu giời, vì bộ đội của trung đoàn này (lính hải phòng) vừa đi vừa vãi đạn, thi thoảng lại nện một vài quả lựu đạn, chả biết là để lấy khí thế hay để không phải mang nặng. Đến lúc đánh nhau thật, thì chả biết nếp tẻ thế nào, chỉ có mấy tháng sau "trên" ngao ngán thở dài điều Anh hùng 1 về tuyến sau.
Sau đó, Anh hùng 1 chuyển đi học tổng hợp sử, rồi phụ trách bảo tàng, rồi lên tướng theo đúng trần quân hàm, cho khỏi tâm tư.
ANH HÙNG 2
Anh hùng 2 cũng là Thiếu tướng, được phong ngay đợt phong tướng đầu tiên sau thắng Mỹ, thuộc thế hệ tướng lĩnh đã trưởng thành từ kháng Pháp, đã có mặt ở tất cả các chiến trường nóng bỏng nhất như Điện Biên, Khe Sanh, Quảng Trị, Thượng Đức, đã chỉ huy xe tăng thọc vào Dinh Độc Lập năm 75.
Nói riêng về 10 năm chiến tranh biên giới, thì Anh hùng 2 có mặt ngay từ ngày đầu, tư lệnh mặt trận nóng bỏng nhất, chỉ huy quân đoàn 14 chuẩn bị phản công. Cuộc phản công đó được dự liệu sẽ làm gỏi toàn bộ cánh quân Tàu, mà điều duy nhất cứu thoát chúng là lệnh rút quân sáng 05/03/79.
Chiến tranh kéo dài suốt 10 năm: 10 năm đó Anh hùng 2 lặn lội khắp đường biên, là tác giả của cách đánh lấn dũi đã giúp Việt Nam giành và giữ được các điểm cao quan trọng, cũng như gây ra nỗi kinh hoàng cho kẻ địch.
Anh hùng 2 cũng nổi tiếng trên biên giới, vì câu nói: Sống, chết, thời, vận, số!
Anh hùng 2, được sánh vai cùng Nguyễn Hữu An, Nguyễn Chơn ... như những chiến tướng, những chỉ huy sư đoàn hàng đầu của Việt Nam.
Ngoài đánh trận, Anh hùng 2 cũng là một nhà nghiên cứu khoa học quân sự lỗi lạc. Điều đáng nói, là Anh hùng 2 có viết một nghiên cứu về công tác cán bộ trong quân đội. Trong đó có một đoạn viết “về công tác bồi dưỡng các anh hùng”. Đại ý rằng: Trong việc đề bạt, sử dụng các anh hùng trong lực lượng vũ trang cũng có trường hợp chưa chính xác. Ví dụ, có cán bộ trở thành anh hùng lúc còn là chiến sĩ, trở thành anh hùng chủ yếu ở tinh thần dũng cảm trong chiến đấu. Với phẩm chất đặc biệt quan trọng của người cán bộ trong lực lượng vũ trang là anh dũng, nhưng muốn chỉ huy đơn vị lớn hơn như trung đoàn, sư đoàn lại cần có trình độ về nghệ thuật quân sự, cần tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực tế chiến đấu.
Anh hùng 2 chỉ ra rằng: Không ít trường hợp do “duy ý chí” cho là có tinh thần dũng cảm thì có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, có trường hợp đã đề bạt nhanh, đề bạt vượt cấp một số anh hùng; do chưa tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm nên một số đồng chí được đề bạt vượt cấp đã không hoàn thành nhiệm vụ lúc chỉ huy trung đoàn, sư đoàn.
Những lời trên đây, nghe “giang hồ đồn” là dành cho Anh hùng 1. Những điều này được phổ biến rất hẹp, trong phạm vi các nhà trường quân sự. Anh hùng 2 cũng chưa bao giờ trực tiếp đề cập về Anh hùng 1. Có lẽ là để giữ uy tín cho quân đội.
BÓNG ANH HÙNG
Những điều kể trên đây, đáng lẽ chỉ là chuyện hậu trường của nhà binh. Anh hùng 2 cũng chưa bao giờ thực sự viết 1 cuốn hồi kí, để kể với bạn đọc những điều này. Chỉ sau khi Anh hùng 2 mất năm 2003, thì Nhà xuất bản quân đội mới cùng gia đình tập hợp di cảo của người anh hùng, in thành một tập sách nhỏ.
Tên tập sách ấy là “những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh”, nhưng thực ra, đó chỉ là tên của nhà xuất bản. nội dung của tập sách cũng phản ánh cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, diễn ra ngay sau ngày 30/04/75. Bản thân tập sách cũng không hẳn là hồi kí, mà là thông qua những hồi ức chiến trường để chia sẻ các kinh nghiệm chỉ huy.
10 năm sau ngày cuốn sách ấy được số hóa và đưa lên mạng, thì cũng là lúc báo chí bắt đầu viết về cuộc chiến biên giới. Anh hùng 1 bắt đầu được phỏng vấn, và từ đấy thì thị phi bắt đầu. Các cựu binh biên giới Vị Xuyên còn rất nhiều. Họ cũng đọc báo mạng, và họ không ngần ngại gì để bóc trần Anh hùng 1, không chỉ vì cuộc thử lửa năm 1985, mà còn về rất nhiều điều trước đó và sau đó.
Anh hùng 2 đã mất sớm, không chờ đến ngày được phỏng vấn để lên báo về một cuộc chiến đã làm nên danh tiếng về ông như một Tư lệnh mặt trận huyền thoại của biên giới phía bắc. Anh hùng 2 cũng không chứng kiến được Anh hùng 1 đang lên báo trả lời phỏng vấn về cuộc chiến ấy bằng giọng “máu ở chiến trường, hoa ở đây”, bất chấp việc cuộc chiến đã bẻ ngang binh nghiệp của Anh hùng 1 sang hướng khác, khi thể hiện của ông quá tồi tệ.
Vào năm đó, Anh hùng 1 chỉ là trung đoàn trưởng, còn Anh hùng 2 là tư lệnh mặt trận, trực tiếp làm nên chiến thắng.
Vào năm đó, Anh hùng 1 đã chỉ hiện diện chưa đầy nửa năm ở Vị Xuyên, còn Anh hùng 2 đã đến tận tiền duyên, và úy lạo binh sĩ của mình bằng sự hiên ngang trên chiến hào: Sống, chết, thời, vận, số! Một khi anh đã tới số thì đạn pháo còn tìm được anh trong công sự!
Vào năm đó, chiến thuật mới, vũ khí mới của quân đội Trung Quốc sau 04 năm hiện đại hóa toàn diện đã gây cho quân ta nhiều tổn thất. Sư 356 đã phải trả giá hơn 600 liệt sĩ cho ngày 12/07/1984. Chỉ có chiến thuật phù hợp do Anh hùng 2 đề xướng thực hiện mới giúp chúng ta giành được thắng lợi, tiết kiệm được xương máu. Còn bây giờ, Anh hùng 1 mô tả quân đội Trung Quốc những năm ấy không khác gì đám ô hợp của năm 1979. Vậy thì biết lí giải ra sao về những thiệt hại của quân ta vào năm ấy đây?
Phần lớn giới trẻ Việt Nam – những người đang vò đầu tìm mối liên hệ giữa Nguyễn Du và Nguyễn Trãi, giữa Nguyễn Huệ và Quang Trung – sẽ ít biết về Anh hùng 2 hơn Anh hùng 1, nhất là với kiểu báo mạng hiện nay.
Chỉ có mình, mỗi khi nhìn thấy những cỗ pháo hoen rỉ như mớ sắt vụn ở Trường Chinh, khi thấy những chiếc xe tăng nằm chen chúc với Highland Coffee ở Cột Cờ, mình lại nghĩ về những bài trả lời phỏng vấn, và cảm thán: “Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng / Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi” (Nguyễn Trãi).
P/s: Những năm tháng ấy, đặc khu Quảng Ninh ngoài Anh hùng 1, còn có 1 nhân vật dân sự nữa, người đã đánh bại con chim lửa của Trường Sơn để ngồi vào ghế Bí thư TW Đoàn ở Bà Triệu. Cách đây vài năm, trên 1 tờ báo chuyên đếm tầng đăng tải một bài của nhân vật này, đại ý khoe rằng hồi ấy đặc khu Quảng Ninh có bao nhiêu anh hùng, bao nhiêu tướng tá tụ hội, rằng tôi đã làm việc, đã cộng tác, đã gặp đồng chí này, đồng chí kia. Trong số đó, đương nhiên nhắc đến Anh hùng 1.
Cả hai người, đều đã một thời là biểu tượng của không chỉ một thế hệ thanh niên Việt Nam.
---
(Ảnh: Thiếu tướng Hoàng Đan - Dành cho những ai còn chưa biết nhiều về ông)
Còn "Anh hùng 1" thì ai cũng biết là ai nên chúng tôi xin phép không đăng ảnh

Nhận xét