HỌC - BIẾT VÀ ĐỐI VỚI LỊCH SỬ



Dường như không một quốc gia nào tồn tại được trên bản đồ thế giới mà không có giao tranh để bảo vệ bờ cõi của mình. Sau mỗi lần giao đấu thì cơ thể mỗi chiến binh luôn để lại những vết sẹo, nhiều vết sẹo nhỏ của mỗi cá nhân tạo nên một vết sẹo lớn cho cả một dân tộc.
Cuộc chiến to thì vết thương sẽ to, vết thương to thì vết sẹo để lại sẽ to… lớp lớp tiền nhân người Việt Nam đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược nhiều không sao kể hết và gần đây nhất là cuộc đấu tranh ngắn ngày bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây tròn 40 năm.
Khi cơ thể chúng ta bị một vết chém, máu chảy ra liên hồi, ta đau lắm, có người chọn cách ré ầm lên cho đỡ đau, có người mím môi lại mà nước mắt không ngừng chảy…
Nhưng may mắn thay, bằng một cách nào đó vết thương kia cũng sẽ khô lại thành sẹo… vài năm sau ta nhìn lại vết sẹo, vết thương năm xưa giờ không còn đau nữa nhưng nó nhắc cho ta nhớ về quá khứ. Vết sẹo là nhân chứng, là lịch sử của vết thương.
Cơ thể con người nếu nghĩ rộng ra thì cũng như một quốc gia dân tộc.
Có nhiều định nghĩa về lịch sử nhưng đối với Anh Ba thì lịch sử là “câu chuyện đã qua”. Lịch sử chiến tranh là lịch sử của nỗi đau, chiến tranh không phải là mở iphone lên đăng nhập vào tài khoản và rải quân sang đánh nick khác. Chiến tranh là tang thương, ly tán, là nhìn người thân của mình cụt chân, cụt tay và đôi khi là cụt đầu. Chiến tranh là khi bạn bị trói chặt để nhìn cảnh vợ bạn, chị bạn bị hãm hiếp, bố bạn bị giặc đổ xăng thiêu sống… chớp mắt là không còn gì cả.
Sự mất mát cha ông đổ xuống để bảo vệ Tổ quốc này như những vết chém trên lưng mẹ Việt Nam, mấy mươi năm qua tuy nỗi đau vẫn còn dai dẳng và âm ĩ nhưng dường như đang hoá thành “vết sẹo lịch sử” theo đúng quy luật thời gian. Những đứa con cháu thế hệ 8x, 9x… dù chưa trải qua nổi đau nhưng khi nhìn những lằn sẹo ấy phần nào cảm nhận được vĩ đại của tiền nhân và tìm mọi cách để gìn giữ nền hoà bình quý giá này.
Liệt sĩ anh dũng ngã xuống là để đừng bao giờ dân tộc này có thêm những liệt sĩ mới, thương binh cụt tay là để đôi tay của thế hệ trẻ được vẹn toàn. Cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trước sự tấn công dồn dập của Trung Quốc đều là những câu chuyện đã qua. Dù mấy mươi năm so với tiến trình dân tộc chỉ như mới hôm qua nhưng Anh Ba tin đã đủ lâu để thế hệ tiếp nối nhận thức đúng về chiến tranh và giá trị của hoà bình.
Lịch sử cần được gìn giữ chứ không cần tô vẽ cho đậm thêm, Một Trung Quốc hữu hảo, nhiệt thành, nghĩa khí từ năm 1950 luôn giúp đỡ người anh em Việt Nam trên con đường giành độc lập chớp mắt thành một kẻ bành trướng, bá quyền ngang ngược, trở mặt nhanh hơn cả người yêu cũ để nhắc cho chúng ta thấy rằng không thể tìm sự dựa dẫm nào ngoài chính sức mạnh nội tại của chúng ta. Không thằng Mỹ, thằng Pháp hay ai khác có thể bảo vệ người Việt Nam ngoài người Việt Nam.
Thời lượng sách giáo khoa kể về chiến tranh như hiện nay là vừa đủ cần thiết và không cần phải khoét sâu thêm, hãy miêu tả lại những ngày gian khó ấy để học sinh được biết và cháu nào muốn tìm hiểu thì xin mời nghiên cứu ở các bậc học cao hơn.
Ngoài những sự tàn độc mà Phát xít, đế quốc, bá quyền gây ra cho dân tộc này, các cháu cũng có quyền được biết đến những phát minh lịch sử của Nhật, của Mỹ, của Pháp, của Trung Hoa giàu mạnh. Rằng các quốc gia trên địa cầu này không chỉ nói chuyện với nhau bằng gươm đao mà họ còn có động cơ hơi nước, có la bàn, có bóng đèn điện...
Thương nhớ người đã khuất không có nghĩa người sống chỉ biết ôm quan tài mãi mãi. Tưởng nhớ sự hi sinh không có nghĩa là quanh năm chìm đắm trong hận thù. Nhân loại đã sang trang mới, quá khứ đau thương vẫn còn đó để nhắc nhớ chúng ta sống tốt hơn, bảo vệ biên cương bờ cõi này bằng trí tuệ và sức mạnh thời đại mới. Thời tiền sử vũ khí là đất đá, tiến bộ hơn sau này là gươm, đao, gần đây là tàu to, súng lớn… và tương lai là gì nếu không là tri thức?
Đọc lịch sử, học lịch sử rồi làm cho tương lai tốt hơn chứ không phải để nằm đó đau đáu hận thù. Làm sao cho ta của ngày hôm nay phải giỏi hơn ngày hôm qua, nhiều công nhân giỏi sẽ có một công trình tốt, nhiều công dân tốt sẽ có một đất nước giàu.
Chính sự nhân nghĩa, hoà hiếu, khoan dung của dân tộc đã giúp Việt Nam xoá bỏ hận thù và san lấp khoảng cách giữa nước ta với các nước, kể cả với những nước vốn là cựu thù của đất nước ta. Các anh chị cứ ôm cái săm xe đạp và dạy con cái mình vá xe làm gì? Sao không để con cháu nó rảnh não để học những điều to lớn, mới mẻ hơn?
Muốn không sợ bóng ma nước lớn trong quá khứ thì hãy daỵ con cháu biết thắp lên ngọn đuốc sáng cho tương lai.
Khi ta thực sự là xe tăng thì sợ gì đinh tặc nữa người ơi…
FB Cao Bao Do

Nhận xét