Không thể coi đó là “thành đạt”


TƯ NGUYÊN
Nhiều năm nay, bầu cử QH giữa nhiệm kỳ ở nước Mỹ đã trở thành một trong các tâm điểm chú ý không chỉ của nước Mỹ mà còn là sự quan tâm của dư luận thế giới, vì kết quả bầu cử có thể đưa tới sự biến động trong chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia này. Nên không có gì ngạc nhiên khi trước, trong và sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổ chức ngày 6-11 vừa qua, báo chí thế giới đưa tin, dự đoán, bình luận... sát sao đến từng ngày, từng giờ.
Sự kiện này cũng là đề tài nhiều tờ báo Việt Nam chú ý, mà tin tức, bình luận chủ yếu khai thác từ báo chí nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi quan sát việc đưa tin, bình luận của một số tờ báo ở Việt Nam về kết quả tranh cử của một số ứng cử viên người Mỹ gốc Việt, Derek Pham - người Mỹ gốc Việt làm trang “Nửa vòng trái đất TV” đã phát hiện điều ông gọi là “chuyện lạ, hay hiện tượng lạ” vì “báo chính thống tại Việt Nam đăng hình bà Janet Nguyễn, ông Tạ Đức Trí” (!), và ông công bố video-clip cho thấy hình ảnh cụ thể trên một số tờ báo. Derek Pham coi là “chuyện lạ, hay hiện tượng lạ” hẳn vì ông ngạc nhiên khi thấy sau khi thắng cử, mấy nhân vật người Mỹ gốc Việt nổi tiếng chống cộng lại được một số tờ báo của Việt Nam đưa tin, đăng ảnh, thậm chí giới thiệu như niềm tự hào về sự thành đạt.
Trên thực tế, khi khai thác tin tức, bình luận của báo chí nước ngoài đề cập kết quả bầu cử của người Mỹ gốc Việt, một số tờ báo trong nước đã không chú ý việc có những báo chí nước ngoài chỉ chủ yếu quan tâm các nhân vật thắng cử có xu hướng chống cộng, còn người gốc Việt thắng cử mà không theo xu hướng đó thì họ đưa tin mờ nhạt; như bà Stephanie Murphy (Ðặng Thị Ngọc Dung) tái đắc cử và là người gốc Việt duy nhất có mặt tại Hạ viên Liên bang thì chỉ được họ điểm danh sơ sài! Nhìn trên toàn cảnh, có thể thấy vừa qua người Mỹ gốc Việt chủ yếu ứng cử vào Thượng viện và Hạ viện ở một số tiểu bang, chức vụ trong một số hội đồng thành phố, hoặc cảnh sát trưởng, thị trưởng… Điều này không khó lý giải, vì người gốc Việt ứng cử thường chỉ được biết tới trong phạm vi hẹp, cũng thường ở nơi có nhiều người gốc Việt định cư và hăng hái chống cộng. Vì thế để đạt mục đích, họ luôn coi chống cộng là nội dung chính trong cương lĩnh tranh cử, đồng thời tung ra nhiều đòn phép để chống phá lẫn nhau; như Phúc Nguyễn, người từng nhiều lần xuất hiện trên truyền thông của người Mỹ gốc Việt, ngày 6-11 đã nhận xét trên “Phố Bolsa TV” ngay bên phòng bỏ phiếu: “Càng ngày tôi thấy các ứng cử viên Việt Nam mị dân càng nhiều hơn. Lúc nào cũng chống cộng xa xôi, phe phái, nói xấu, chia rẽ đủ thứ chuyện”!
Giới thiệu sự thành đạt của người gốc Việt ở nước ngoài là chính đáng, song không thể giới thiệu mấy kẻ “thành đạt” vì đã chống phá đất nước. Thí dụ: không thể coi Trâm Nguyễn là người “thành đạt” vì sau khi trúng cử dân biểu Hạ viện bang Massachusetts, ngày 8-11 người này đã nói với VOA rằng “sẽ nỗ lực thúc đẩy để cờ vàng ba sọc đỏ được công nhận là lá cờ chính thức của cộng đồng Việt Nam ở Massachusetts”; còn Janet Nguyễn, người vừa tái cử Thượng viện bang California, thì chỉ dẫn lại điều bà ta nói: “Từ ngày bắt đầu làm chính trị, việc làm của tôi đã cho thấy vấn đề tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước là một sự chú trọng đầu tiên”.

Nhận xét