BẢN CHẤT NGÔ ĐÌNH DIỆM




Phạm Trung
Ngô Đình Diệm sinh ngày 03 tháng 01 năm 1901, bị giết trong một cuộc đảo chính do các tướng lĩnh dưới quyền thực hiện, với sự hỗ trợ của tình báo Hoa Kỳ ngày 02 tháng 11 năm 1963. Diệm từng làm quan nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại, Thủ tướng của Quốc gia Việt Nam, trở thành Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa (Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam).
Ngô Đình Diệm là một kẻ ham hố quyền lực, một quân cờ trong tay Mỹ, do Mỹ dựng lên để thực hiện ý đồ xâm lược Việt Nam. Khi không còn tác dụng, Diệm đã bị Mỹ “thay ngựa giữa dòng”. Bản chất của Ngô Đình Diệm thể hiện rõ nét nhất ở cách trở thành tổng thống, trong việc soạn thảo và thông qua Hiến pháp Đệ nhất Cộng hòa 1956, cải cách điền địa, thi hành chính sách chống Việt Minh.
Vì có tư tưởng bài Pháp nên Diệm đã được Mỹ ủng hộ trở thành Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa sau khi phế truất Bảo Đại. Cuộc trưng cầu dân ý để phế truất Bảo Đại, đưa Diệm lên thay thế bị tố cáo là gian lận. Tại Sài Gòn, Ngô Đình Diệm chiếm được 605.025 lá phiếu trong khi khu vực này chỉ có 450.000 cử tri ghi tên[1]Sau đó Ngô Đình Diệm tổ chức bầu Quốc hội Lập hiến cho Quốc gia Việt Nam. Quốc hội này ban hành Hiến pháp, đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa. Chính thể mới Việt Nam Cộng Hoà được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1955, Diệm được bầu làm Tổng thống. Năm 1957, Diệm có chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên với cương vị tổng thống của Việt Nam Cộng hoà.
Năm 1956, Ngô Đình Diệm trực tiếp tham gia soạn thảo Hiến pháp Đệ Nhất Cộng hòa. Bản Hiến pháp trao cho y quyền lực rất lớn, toàn quyền khống chế bộ máy nhà nước bằng quyền phủ quyết đạo luật (điều 58, 86, 90, 91), quyền tham dự và không tham dự họp quốc hội của Tổng thống (điều 39). Theo bản Hiến pháp, Tổng thống Ngô Đình Diệm có đầy đủ quyền lực để triệt tiêu hoặc làm tê liệt các đạo luật không vừa ý, dễ dàng ban hành và thi hành các đạo luật có lợi cho mình. Ngoài ra, Hiến pháp còn ghi rõ, dân tộc có “sứ mệnh” trước Đấng Tạo hóa”, vừa thể hiện việc lợi dụng tôn giáo để mị dân, vừa chứng minh sự thiên vị của chính quyền với Thiên Chúa giáo.
Bản chất Ngô Đình Diệm còn thể hiện ở chính sách cải cách điền địa. Ngô Đình Diệm phê phán phong trào cải cách ruộng đất ở miền Bắc là “ăn cướp và tra tấn dã man”. Hắn chỉ thị cho các quan chức địa phương trả tiền mua số đất vượt quá giới hạn, chứ không tịch thu. Sau đó chính phủ sẽ chia nhỏ số đất vượt giới hạn này để bán cho các nông dân chưa có ruộng. Nông dân được vay một khoản tiền không phải trả lãi trong kỳ hạn sáu năm để mua. Đường lối Cải cách điền địa mà Ngô Đình Diệm đề ra bị nông dân miền Nam phản đối dữ dội. Trong khi Việt Minh đã giảm thuế, xóa nợ và tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân nghèo thì Ngô Đình Diệm đã đưa giai cấp địa chủ trở lại.
          Đặc biệt, Ngô Đình Diệm còn thi hành mạnh mẽ chính sách chống Cộng. Sau khi lên làm tổng thống, Ngô Đình Diệm cùng với em trai Ngô Đình Nhu tăng cường sử dụng các phương pháp cứng rắn để chống lại những người kháng chiến Việt Minh được sự hỗ trợ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc. Điều 7, Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1956) quy định “Những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp”. Chính quyền Ngô Đình Diệm luôn luôn quan niệm cộng sản là kẻ thù chính, nhiệm vụ phản công là tối ưu. Phải đẩy mạnh nhiệm vụ chống cộng. Ngô Đình Diệm rất nổi tiếng với các khẩu hiệu: “đồng tâm diệt cộng”, “tiêu diệt cán bộ nằm vùng”, “tiêu diệt cộng sản tận gốc”, “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, thể hiện quyết tâm chống Chủ nghĩa Cộng sản tới cùng. Ngô Đình Diệm hiểu rõ những cán bộ Việt Minh là đối thủ lớn nhất đe dọa quyền lực của hắn, uy tín của y không thể sánh được với Việt Minh, những người vừa lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Pháp.
Để tăng tính uy hiếp, chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng cả máy chém để hành quyết phạm nhân. Xử chém diễn ra công khai trước dân chúng, đầu phạm nhân được đem bêu để cảnh cáo. Ngày 06/5/1959, Quốc hội Việt Nam Cộng Hoà thông qua luật số 91 mang tên Luật 10-59, sau đó được tổng thống Việt Nam Cộng hòa là Ngô Đình Diệm ký ban hành. Luật này quy định việc tổ chức các Tòa án quân sự đặc biệt với lý do “xét xử các tội ác chiến tranh chống lại Việt Nam Cộng Hòa”, nhằm thanh trừ những người cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Theo Luật 10-59, bị can có thể được đưa thẳng ra xét xử mà không cần mở cuộc điều tra, án phạt chỉ có hai mức: tử hình hoặc tù khổ sai, xét xử kéo dài 3 ngày là tối đa, không có ân xá hoặc kháng án; dụng cụ tử hình có cả máy chém.
Bản chất của Ngô Đình Diệm đã tự “đào hố” để chôn hắn. Bản chất “độc tài”, “gia đình trị”,…đã tạo ra mâu thuẫn không thể điều hòa giữa Diệm với cấp dưới và nhân dân. Các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa bất mãn trước cách cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm, muốn thực hiện đảo chính để chấm dứt cuộc khủng hoảng Phật giáo. Bản thân Diệm đã không thực hiện những thay đổi chính trị theo ý đồ của Mỹ. Mỹ muốn đưa quân vào xâm lược Việt Nam, Diệm không muốn vì Mỹ mà mất đi chính quyền mà hắn đã dày công gây dựng. Cuộc đảo chính đã được Mỹ bật đèn xanh và ủng hộ. Kết quả Diệm đã bị ám sát ngày 02 tháng 11 năm 1963 cùng với em trai Ngô Đình Nhu. Cần hiểu rõ bản chất của Ngô Đình Diệm, tránh sự xuyên tạc lịch sử của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bảo vệ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.


[1] Tucker, Spencer C. (2000). Encyclopedia of the Vietnam War. ABC-CLIO. tr.366.

Nhận xét