ĐẰNG SAU GIẤC MƠ ĐỊNH CƯ Ở “THIÊN ĐƯỜNG” MỸ



Có lẽ, mong ước của rất nhiều người Việt Nam đó là được một lần đặt chân lên đất Mỹ - Cường quốc số 1 về kinh tế để được chiêm ngưỡng sự giàu có, văn minh ở nơi đó. Trong một lần hiếm hoi tôi được gặp em, một Việt Kiều Mỹ đã 5 năm rồi mới được trở về quê hương ăn thăm người thân. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện khá lâu về đời sống của cộng đồng người Việt ở Mỹ, tôi mới hiểu ra những điều nhỏ nhặt khác của bà con Việt kiều mỗi lần họ về thăm quê không như mình nghĩ. Họ đầy tâm trạng. Giàu nghèo thì nơi nào chẳng có. Ở đây, không ít người phải dành dụm, tằn tiện từng đồng chi tiêu nhiều năm trời mới có được một chuyến trở về nguồn cội, viếng mộ ông bà tổ tiên, thăm bà con ruột thịt.
Nguyễn Hoàng là một người hàng xóm của tôi, thuộc lớp người đến Mỹ sau này, cái ngày nó đi, nó làm cả một bữa tiệc để chia tay hàng xóm mà ai cũng nghĩ sau này trở về, nó sẽ là một Đại gia giàu có nhất xóm. Hiện tại, nó sống tại Dallas, bang Texas. Nó cho biết những ngày đầu đặt chân đến Mỹ, nhiều người đi làm trong các hãng, 1 giờ được 4-6 USD. Làm từ 6 giờ đến 22-23 giờ. Sống trên đất Mỹ, dù làm bất cứ công việc gì thì họ cũng phải cố gắng làm việc. Nếu không, họ sẽ rất vất vả trong việc trả chi phí sinh hoạt đắt đỏ, đặc biệt là tiền nhà. Khó mà tìm được sự hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ trong vấn đề này, chỉ là chi phí hỗ trợ thất nghiệp nhỏ nếu bạn chưa có việc làm. Cơ cấu xã hội Mỹ và những “chiếc bẫy” tín dụng từ ngân hàng buộc người ta phải làm việc để sống. Làm việc, kiếm tiền, mua tài sản rồi lại phải làm việc, trả nợ... - một cái vòng tuần hoàn xoay chuyển. Áp lực cuộc sống buộc mọi người phải làm việc liên tục. Phần lớn trong số họ không ai đặt nặng vấn đề qua Mỹ để tìm cơ hội cho chính mình mà chủ yếu là vì tương lai của lớp trẻ. Vì thế, họ cảm thấy thanh thản và tự giải đáp rằng trong cuộc sống, cái gì cũng có cái giá của nó. Vấn đề là phải chấp nhận để mà sống.
Trò chuyện với tôi, giọng nó trầm hẳn khi nhắc lại không khí những ngày Tết đoàn viên ở quê nhà. “Nhiều người sống ở Việt Nam hay ở Mỹ thường đứng trên quan điểm vật chất là tiền bạc để đánh giá cuộc sống bên nào tốt hơn. Họ quên rằng con người sống trong xã hội nào đi nữa thì ngoài tiền bạc còn có những giá trị tinh thần mà nếu thiếu đi thì cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa và buồn chán, cho dù ta có rất nhiều tiền” - nó chiêm nghiệm. Thực ra, hầu hết những người Việt đang sinh sống ở Mỹ, nhất là thế hệ đầu tiên đến đây sau năm 1975, thuộc rất nhiều thành phần khác nhau. Phần lớn người Việt sau đó được bảo lãnh theo diện thân nhân, hầu hết họ không còn trẻ nữa. Việc phải trải qua cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người, sự khác biệt về văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ, hết sức khó khăn. Hầu như tất cả phải bắt đầu từ những công việc lao động tay chân đơn giản với đồng lương tối thiểu. Đồng tiền kiếm được không vào đâu so với chi phí đắt đỏ ở Mỹ. Nhiều đêm có người còn mộng mị mong về lại cố hương đều mang một tâm trạng cô đơn. Càng về già, nỗi cô đơn ấy càng lớn. Đến tuổi này, người ta nhận ra rõ hơn về nguồn cội, về những mất mát riêng tư khi phải rời xa đất Tổ. Họ thường gặp gỡ nhau để sẻ chia vui buồn, chuyện trò về những kỷ niệm ở quê nhà, bù lấp vào những khoảng trống ở tâm hồn mình trong những năm tháng cuối đời nơi đất khách. Lớp trẻ dường như không mặn mà, vì không cùng tiếng nói chung với thế hệ của người cao tuổi. Từ đó, nỗi cô đơn của họ càng trở nên dữ dội. Họ không phải không biết về tình hình phát triển của quê hương, cũng không mặn mà mấy cái phong trào chống Cộng đó đâu. Nhưng đã sống trong cái cộng đồng này, buộc họ phải hùa theo, không thì bị cô lập. Số người thực sự chống Cộng không nhiều, nhưng lại nhiều nhóm, phe phái đấu đá nhau, họ thường đến từng nhà để kêu gọi quyên góp “cho phong trào đấu tranh ở quốc nội”. Trước đây, cũng nhiều người quyên góp vì những lời lẽ mỹ miều kiểu “Cộng sản sắp sụp đổ rồi, cần tiền để đẩy nhanh tiến độ,…”. Nhưng gần đây biết bị lừa, nhiều người cũng tìm cách lẩn tránh mấy người đó.
Qua cuộc nói chuyện với Nguyễn Hoàng, tôi mới nhận ra rằng: Cuộc sống mà nhiều người Việt nghĩ nó là thiên đường, nhưng có “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Dù có ở đâu thì để kiếm được đồng tiền cũng không hề đơn giản. Nhưng về tinh thần thì không đâu bằng sống trên quê hương đất Tổ của mình.
(Nguyễn Trung Quân TĐ47)

Nhận xét