CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VAI TRÒ CỦA HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI SỰ RA ĐỜI NHÀ NƯỚC KIỂU MỚI Ở VIỆT NAM




                                                                                             Kiên Trung
Trong những ngày mùa thu của dân tộc, các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam lại tập trung tuyên truyền, bóp méo sự thật lịch sử xung quanh sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đặc biệt là những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù hòng phủ nhận vai trò, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự ra đời của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, sự ra đời Nhà nước vô sản ở Việt Nam sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự phản ánh đúng quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa, là thành quả trực tiếp của cuộc đấu tranh lâu dài và anh dũng của nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Song, gắn liền với đó là trí tuệ uyên bác, tầm nhìn xa trông rộng, là quá trình chuẩn bị hết sức công phu và đầy đủ về mọi mặt của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong đó, trước hết và nổi bật nhất là sự sáng tạo, độc đáo của Người trong lựa chọn mô hình Nhà nước vô sản ở Việt Nam.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là thời kỳ cả xã hội Việt Nam khủng hoảng toàn diện, bao gồm trong đó cả sự khủng hoảng về lựa chọn mô hình nhà nước. Kiểu nhà nước phong kiến mà hiện thân là triều đình nhà Nguyễn, mô hình nhà nước quân chủ lập hiến kiểu Nhật Bản và kiểu nhà nước tư sản mà hiện thân là chính quyền thuộc địa thực dân Pháp, với tất cả những mâu thuẫn, hạn chế, phản động… không phải là mô hình nhà nước phù hợp với thực tiễn của xã hội Việt Nam, nên đã không được nhân dân ta, lịch sử dân tộc ta chấp nhận. Thực tiễn lịch sử Việt Nam lúc này đang đòi hỏi cấp thiết một đường lối cứu nước đúng đắn và một mô hình nhà nước phù hợp. Nhưng chưa có ai, tổ chức hay lực lượng nào có thể tìm kiếm, lựa chọn và đáp ứng được. Chỉ đến khi Hồ Chí Minh bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, thì những đòi hỏi trên của cách mạng nước nhà mới được giải quyết một cách khoa học và triệt để.
Tuy rất khâm phục nhiệt huyết cách mạng của các nhà yêu nước đương thời, nhưng Hồ Chí Minh không nhất trí với con đường cứu nước và mô hình nhà nước mà họ lựa chọn. Thực tiễn hoạt động cách mạng ở trong nước và quốc tế đã giúp Người hiểu rõ sự lỗi thời, lạc hậu của nhà nước phong kiến và mặt xấu xa, phản động của nhà nước tư sản ở cả chính quốc và thuộc địa. Từ đó, Hồ Chí Minh đi đến khẳng định: mục đích giải phóng và phát triển của xã hội Việt Nam không thể lựa chọn và tương hợp với loại hình nhà nước kiểu đó. Trong khi đó, nhà nước Xô viết, tuy còn non trẻ nhưng đã sớm bộc lộ sức sống và tính ưu việt của mình, hướng vào phục vụ lợi ích của đại đa số nhân dân lao động. Chính mô hình nhà nước kiểu mới này là thực tiễn sinh động giúp Hồ Chí Minh lựa chọn mô hình Nhà nước Việt Nam mới.
Như vậy, bằng những khảo nghiệm thực tiễn và sự mẫn cảm chính trị trước thời đại, vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười và kiểu nhà nước theo học thuyết Mác - Lênin ở Việt Nam. Tuy nhiên, kiểu nhà nước ấy, khi được vận dụng vào nước ta, về mục đích, nguyên tắc, Hồ Chí Minh trung thành với “mô hình Xô viết”, nhưng hình thức, bước đi và cách làm lại có sự độc lập, sáng tạo và phát triển mới; hoàn toàn không giáo điều, rập khuôn, máy móc. Đó thực sự là một sự lựa chọn phù hợp với quy luật khách quan, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cách mạng và nguyện vọng, lợi ích của nhân dân Việt Nam.
Mặt khác, Hồ Chí Minh có sự sáng tạo và công phu trong việc chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà nước vô sản ở Việt Nam.  Trên cơ sở lý luận được tiếp thu từ học thuyết khoa học, cách mạng nhất của thời đại và từ thực tiễn khảo nghiệm của bản thân, Hồ Chí Minh đã tích cực, chủ động chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về mọi mặt cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới. Năm 1941, khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng quyết định thay đổi chiến lược cách mạng cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời cụ thể hóa thêm một bước mô hình nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp ở Pắc Bó (từ ngày 10 đến 19/5/1941), Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã ra quyết định: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử”[1].
Giữa tháng 8/1945, khi được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Hồ Chí Minh đã quyết định họp đồng thời Hội nghị của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân. Tại đó, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, có tính chất như “Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam”[2] do Hồ Chí Minh làm chủ tịch đã ra đời và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi trong vòng hai tuần lễ, chính quyền của phát xít Nhật và bè lũ tay sai đã bị đập tan. Ngày 30/8/1945, Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã tuyên bố thoái vị, trao toàn bộ quyền bính, ấn kiếm quốc bảo cho Chính phủ Lâm thời, đánh dấu sự sụp đổ của bộ máy chính quyền nhà nước cũ, đồng thời mở đầu cho sự ra đời của nhà nước Việt Nam kiểu mới.
Tuy nhiên, Nhà nước mới ra đời nhưng chỉ có thể tồn tại và phát triển khi nhà nước đó hoạt động trên cơ sở hợp pháp, hợp hiến. Nắm vững nguyên tắc này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tạo ra những điều kiện cần thiết đó cho nhà nước mới của mình. Trong đó, công việc quan trọng đầu tiên là phải khẳng định nền độc lập vừa giành được bằng một bản Tuyên ngôn hùng tráng với tính thuyết phục cao. Đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, Hồ Chí Minh đã trực tiếp soạn thảo Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới.
Mặt khác, một nhà nước hợp pháp, hợp hiến phải là nhà nước do nhân dân bầu ra và được nhân dân thừa nhận, ủng hộ. Nhận thức rõ điều này, Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch đã sớm có chủ trương và kế hoạch về bầu cử quốc hội, thành lập chính phủ chính thức, ban hành hiến pháp theo đúng ý nguyện của nhân dân. Đầu năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra và thành công rực rỡ với sự đồng tình ủng hộ rất cao của quần chúng nhân dân.
Ngoài ra, cùng với sự chuẩn bị cho sự ra đời của một nhà nước hợp hiến, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng, Nhà nước phải quản lý đất nước bằng pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Vì vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi chưa xây dựng được hiến pháp mới và hình thành đồng bộ hệ thống pháp luật mới, Người đề nghị vận dụng những điều luật cũ còn tương đối phù hợp với tình hình mới, trừ bỏ những điều vi phạm hoặc trái với chủ quyền của nhân dân, đồng thời khẩn trương tổ chức soạn thảo Hiến pháp mới. Trên tinh thần đó, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đạo luật cơ bản của quốc gia độc lập có chủ quyền đã nhanh chóng ra đời và được Quốc hội khóa I thông qua (ngày 9/11/1946). Sự kiện này một lần nữa khẳng định đầy đủ và rõ ràng hơn tính hợp pháp, hợp hiến của Nhà nước Việt Nam mới.
Những bằng chứng sinh động và thuyết phục nói trên đã khẳng định một cách rõ ràng công lao, cống hiến vô cùng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự ra đời của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Theo đó, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch không thể nào làm thay đổi sự thật lịch sử.


[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 150.
[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 535.

Nhận xét