Tính khách quan, khoa học là một trong những nguyên tắc cơ bản của đấu tranh lý luận hiện nay



Tg: Vĩnh Chân

Tính khách quan, khoa học là một trong những tính chất của lý luận chân chính. Đấu tranh lý luận thực chất là đấu tranh của những quan điểm, luận điểm đối lập nhau, là khẳng định chân lý thuộc về mình và phủ nhận lý luận của đối phương. Do đó, muốn đấu tranh lý luận có sức thuyết phục phải có lập luận khoa học và sáng tạo với những căn cứ xác đáng. Điều này cần được xác định như một tiêu chí không thể thiếu đối với đấu tranh lý luận hiện nay.
 Một quan điểm, luận điểm chỉ là chân lý khi nó được nhận thức và vận dụng đúng đắn trong những trường hợp cụ thể. Trong đấu tranh lý luận, nếu một luận điểm đã được thừa nhận là đúng, nhưng nếu không gắn với những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, luận điểm sẽ trở thành sai lầm, bị kẻ thù lợi dụng chống lại. Từ đó đấu tranh lý luận sẽ rơi vào tình trạng võ đoán, thiếu độ chín, thiếu độ sâu và tính thuyết phục.
Nguyên tắc khách quan, khoa học của đấu tranh lý luận đòi hỏi phải thấm nhuần và vận dụng sáng tạo phương pháp tư duy biện chứng duy vật, phương pháp này đối lập với phương pháp tư duy chủ quan phiến diện, một chiều hoặc rập khuôn máy móc. Phương pháp tư duy siêu hình là cơ sở của lối “chiết chung” và thuật “ngụy biện” trong đấu tranh lý luận. Các phần tử cơ hội, xét lại thường đưa ra thứ lý luận thiếu khách quan, toàn diện, nếu không xem xét, phân tích kỹ cũng dễ bị ngộ nhận.
Trong bối cảnh mới, đấu tranh lý luận không thể dựa một cách cứng nhắc giáo điều vào những nguyên lý, lý luận đã từng chứng tỏ khả năng kỳ diệu trước đây để mong giải quyết các vấn đề thực tiễn đang nảy sinh, phải lấy cái dĩ bất biến để ứng vạn biến. Nếu không có sự khám phá mới, sáng tạo thì lý luận chỉ là sự sao chép, sự vận dụng máy móc, không thể góp phần làm giàu lý luận cách mạng và cũng không thể bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng một cách chủ động và vững chắc.
Hiệu quả đấu tranh lý luận được thể hiện rõ nét ở tính thuyết phục về mặt khoa học của các luận điểm và kết luận được rút ra. Các luận điểm và kết luận được rút ra có thể không phải là vấn đề hoàn toàn mới, nhưng quan trọng là đáp ứng đúng đòi hỏi của thực tiễn và phải có căn cứ khoa học xác đáng.


Nhận xét