NGUYÊN TẮC KHÁCH QUAN TRONG CÁC NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG BẢY KHÓA XII CỦA ĐẢNG


Phạm Trung
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyên tắc khách quan là một trong những nguyên tắc phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng, là nguyên tắc xuất phát, có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu, luôn được Đảng ta quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong đó, các nghị quyết của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII của Đảng vừa qua là một minh chứng.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 07 đến ngày 12/5/2018, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành họp Hội nghị lần thứ bảy khóa XII. Hội nghị đã tiến hành thông qua nội dung cơ bản của ba văn kiện: Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW); Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết số 27-NQ/TW); Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW). 
Vận dụng nguyên tắc khách quan, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định quan điểm chỉ đạo, xuyên suốt trong các nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy đó là: Xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, chống chủ quan, duy tâm, duy ý chí.
Trong Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo là “Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn.”[1].
Trong Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định quan điểm chỉ đạo cải cách tiền lương phải xuất phát từ những căn cứ khách quan, cụ thể của kinh tế thị trường, nguyên tắc phân phối, năng suất lao động, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, v.v., “…tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.”[2]
Quan điểm chỉ đạo thứ hai trong Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội xác định: “Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.”[3]. Theo đó, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội không được nóng vội, chủ quan, phải có lộ trình phù hợp và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Nghiên cứu nguyên tắc khách quan trong các Nghị quyết Hội nghị Trung ương bảy khóa XII của Đảng càng thấy rõ sự trung thành và vận dụng sáng tạo hệ thống nguyên tắc phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng của Đảng ta vào từng lĩnh vực lãnh đạo cụ thể. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu, giảng dạy triết học hiện nay.



[1] Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (2018), Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb CTQG, tr.121.
[2] Sđd, tr.240.
[3] Sđd, tr.364-365.


Nhận xét