LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM



Tiên Phong
          Cuối tháng 5, đầu tháng 6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Được biết, năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân tới Nhật Bản tiếp tục khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; tăng cường quan hệ gần gũi và sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Việc Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân thể hiện tinh thần trọng thị của Hoàng gia Nhật Bản đối với Việt Nam, bởi thông thường một năm Nhà vua và Hoàng hậu chỉ đón một, hai đoàn tới thăm cấp Nhà nước.
          Tuy nhiên, trước thềm chuyến đi, theo một số cơ quan báo chí và mạng xã hội nước ngoài phản ánh: tổ chức “Theo dõi Nhân quyền” đã gửi thư cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, vu khống nhiều nội dung Việt Nam vi phạm quyền tự do dân chủ, nhân quyền; nêu các quan ngại về việc Việt Nam hạn chế các quyền tự do ngôn luận và hội họp, cản trở các nhóm tôn giáo và công đoàn và bỏ tù những người bất đồng chính kiến; bầu cử thiếu tự do và công bằng, đề nghị phía Nhật Bản với tư cách nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam, vừa có cơ hội vừa có trách nhiệm lên tiếng về những vi phạm của chính quyền Việt Nam. Họ đòi Thủ tướng Shinzo Abe “cần công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với những nhà vận động nhân quyền đầy quả cảm của Việt Nam và thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích những người đang bị cầm tù chỉ vì đứng lên đòi nhân quyền” và cho rằng: “Tiếp tục im lặng về những vi phạm của Việt Nam chỉ làm chính quyền nước này bạo dạn hơn trong việc duy trì chủ trương đàn áp.”
          Bức thư của tổ chức mang tên “Theo dõi nhân quyền” quốc tế kể trên hoàn toàn bịa đặt, vu cáo, đánh giá sai về tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam. Họ lộ rõ mục đích nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và với Nhật Bản nói riêng ngay trước chuyến thăm cấp Nhà nước quan trọng này. Những đánh giá của họ về dân chủ, nhân quyền ở nước ta là phiến diện với thái độ hằn học, thiếu thiện chí. Những người mà họ cho rằng “đang bị cầm tù chỉ vì đứng lên đòi nhân quyền” thực chất là vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý đúng người, đúng tội.
          Tờ Thời báo Nhật Bản (The Japan Time) ra ngày 28/5 đăng bài “Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang vị quốc khách của Nhật Bản”. Bài báo bình luận: “Nhật Bản và Việt Nam cùng nằm ở châu Á-Thái Bình Dương. Sự tin cậy về chính trị, sự tương đồng về văn hóa giữa hai dân tộc cũng như những thành quả đầy ấn tượng của hợp tác trong suốt 45 năm qua là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ đưa quan hệ giữa hai quốc gia tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, hướng tới tương lai. Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ góp phần quan trọng củng cố, phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”
          Chắc chắn rằng, nếu Việt Nam thực sự vi phạm những vấn đề về dân chủ, nhân quyền thì uy tín, vị thế của Việt Nam không được báo chí nước ngoài bình luận một cách tự tin như vậy. Kết quả chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, chả có vướng bận gì từ bức tranh nhân quyền Việt Nam do “Theo dõi Nhân quyền” tự vẽ lên.


Nhận xét