CÓ PHẢI CON ĐƯỜNG QUÁ ĐỘ ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM BỎ QUA CHẾ ĐỘ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA LÀ TRÁI VỚI TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ - TỰ NHIÊN ?



Thiện Trí
Hiện này một số luận điệu trên mạng xã hội cho rằng, con đường mà chúng ta đã lựa chọn dường như trái với lý luận của C.Mác về "quá trình lịch sử - tự nhiên". Họ cho rằng, ở nước ta, quá trình lịch sử - tự nhiên nhất thiết phải phát triển tuần tự và tất nhiên, hướng trước mắt phải là chủ nghĩa tư bản
Quan điểm này là phi lịch sử và không phù hợp với quan niệm của C.Mác về quá trình lịch sử - tự nhiên. Hiểu thế nào về sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên?
C.Mác viết: "Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên"[1]. V.I.Lênin giải thích thêm: "Chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Và dĩ nhiên là không có một quan điểm như thế thì không thể có một khoa học xã hội được"[2].
Chúng ta đều biết, quy luật của đời sống xã hội có đặc điểm là tác động thông qua con người. Song, không phải vì thế mà nó không mang tính khách quan. Ngược lại, xã hội vận động theo những quy luật không những không phụ thuộc, mà còn quyết định cả ý chí, ý thức và ý định của con người.
Cho đến nay, lịch sử nhân loại đã trải qua bốn hình thái kinh tế - xã hội kế tiếp nhau: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và đang quá độ sang xã hội xã hội chủ nghĩa - giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Nhưng, xét từng quốc gia dân tộc thì do những đặc điểm về lịch sử, không phải quốc gia nào cũng phải trải qua tất cả các hình thái kinh tế - xã hội theo một sơ đồ chung. Nghiên cứu lịch sử các nước cho thấy, có những nước đã bỏ qua một hình thái kinh tế - xã hội nào đó trong tiến trình phát triển của mình. Chẳng hạn như ở Italia, Pháp, Tây Ban Nha..., chế độ phong kiến đã bắt đầu hình thành trong lòng chế độ nô lệ. Trong khi đó, ở Nga, Ba Lan, Đức..., chế độ phong kiến ra đời không phải từ chế độ nô lệ. Ở Mỹ, do đặc điểm lịch sử của nó, chế độ tư bản hình thành trong điều kiện xã hội không trải qua chế độ phong  kiến. Ngay ở Việt Nam, trong tiến trình phát triển lịch sử của mình, chúng ta đã không trải qua chế độ nô lệ. Các nước không qua hình thái này hay hình thái khác là sự thật lịch sử và là quá trình lịch sử - tự nhiên của các quốc gia đó. Sở dĩ có tình hình ấy là vì, sự vận động của xã hội diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia, giữa các vùng. Lịch sử thường xuất hiện những trung tâm phát triển cao hơn về sản xuất vật chất, về kỹ thuật hoặc về văn hóa và chính trị... Sự giao lưu, xâm nhập, tác động qua lại giữa các trung tâm đó làm xuất hiện khả năng một số nước đi sau có thể rút ngắn tiến trình lịch sử mà không lặp lại một cách tuần tự các quá trình phát triển của lịch sử nhân loại. Đây chính là vai trò và ý nghĩa của thời đại đối với sự phát triển các quốc gia trong từng thời kỳ lịch sử nhất định.
Như vậy, quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển xã hội chẳng những diễn ra bằng con đường phát triển tuần tự, mà còn bao hàm cả trường hợp bỏ qua một hình thái kinh tế - xã hội nhất định trong những hoàn cảnh lịch sử - cụ thể nhất định.
Lý luận về sự phát triển lịch sử - tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội không mâu thuẫn với lý luận về sự phát triển bỏ qua (hay sự phát triển rút ngắn) mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đề ra.
Để có thể phát triển bỏ qua hay rút ngắn lên chủ nghĩa xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, đối với các nước tiền tư bản chủ nghĩa phải có tấm gương của một cuộc cách mạng vô sản đã thắng lợi ở các nước tư bản phát triển. Đối với Việt Nam, cho đến nay, những bài học, cả về thành công lẫn thất bại, của các cuộc cách mạng vô sản đều hết sức bổ ích.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ rõ rằng, cần phải có sự giúp đỡ tích cực của các nước tiên tiến đã xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, các nước tiền tư bản chủ nghĩa mới có thể rút ngắn được con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, thì ở Việt Nam cũng có điều kiện này. Trước đây, chúng ta có sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước ta theo con đường xã hội chủ nghĩa. Từ sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, tính chất của sự giúp đỡ quốc tế đã ít nhiều có sự thay đổi. Nhưng, sự hợp tác và giúp đỡ quốc tế giờ đây, trong những khía cạnh nào đó, lại đa dạng và có quy mô to lớn hơn trước. Và, đây chính là một trong những nguyên nhân đã tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta.
Chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Cuộc cách mạng này vừa tạo ra thời cơ thuận lợi cho phép một quốc gia có thể phát triển nhảy vọt trong một thời gian khá ngắn, như thực tế nhiều quốc gia đã chứng minh. Nếu chúng ta tận dụng được thời cơ và vượt qua được thách thức thì có thể tạo ra được những cơ sở để thực hiện sự phát triển rút ngắn, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn nhấn mạnh vai trò của Đảng, của giai cấp công nhân như một yếu tố không thể thiếu được trong việc lãnh đạo cách mạng nói chung và trong việc thực hiện quá trình phát triển rút ngắn đi lên chủ nghĩa xã hội ở các nước tiền tư bản. Điều này đã thể hiện rất rõ ở Việt Nam. Là một Đảng giàu tinh thần cách mạng, sáng tạo, gắn bó với quần chúng, trong những thời điểm phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự khủng hoảng, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, vượt qua những hiểm nghèo, đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước tiến lên một cách vững chắc.
Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh và xây dựng xã mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khuynh hướng chính trị bỏ qua chế độ tư bản, tiến lên chủ nghĩa xã hội đã trở thành sức mạnh vật chất bám rễ sâu trong xã hội Việt Nam. Yếu tố chính trị rất đáng kể này có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút và chuyển hóa nhân tố thời đại thành nguồn lực bên trong để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Những cơ sở kinh tế, kỹ thuật và tài nguyên quốc gia mà chúng ta giành lại được từ tay các thế lực đế quốc, thực dân, cùng với những cơ sở vật chất đã xây dựng được nhờ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới hiện nay cũng là những tiền đề kinh tế, kỹ thuật cho bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta. Và, đó là con đường phát triển hợp với thời đại hiện nay./.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghent.23, tr.21.
[2] V.I.Lênin, t.1, tr. 163.

Nhận xét