THỰC CHẤT “HỘI THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI” Ở VIỆT NAM



Phạm Trung
Năm 1985, tại Hàn Quốc xuất hiện một phong trào tôn giáo mới có tên gọi là “Hội Thánh đức Chúa trời mẹ” do Kim Joo Cheol và Jang Gil Ja phát triển từ hội thánh Ahn Sahng Hong. Mặc dù về kinh sách, “Hội Thánh đức Chúa trời mẹ” sử dụng kinh thánh như đa số các tổ chức Tin lành khác, tuy nhiên tôn giáo này có một số khía cạnh khác biệt.
“Hội Thánh đức Chúa trời mẹ” ngoài việc tin vào Đức Chúa trời ba ngôi (cha, con, thánh thần) còn tin vào việc Đức Chúa trời đã hiện thân vào ông Ahn Sahng Hong, coi Ahn Sahng Hong là Đức Chúa trời Cha, có Đức Chúa trời mẹ là bà Jang Gil Ja.
“Hội Thánh đức Chúa trời mẹ” không sử dụng cây Thánh giá, tượng Chúa, không công nhận lễ Giáng sinh. Tôn giáo này có nhiều nghi Lễ: Lễ Sabat vào thứ 7 hằng tuần, Lễ Vượt qua, Lễ Bánh không men, Lễ Phục sinh, Lễ Ngũ tuần, Lễ kèn thổi, Lễ Chuộc tội và Lễ Lều tạm. Những người theo “Hội Thánh đức Chúa trời mẹ” quan niệm Đức Chúa trời Cha và Đức Chúa trời mẹ là cha, mẹ phần linh hồn, cha, mẹ đẻ là cha, mẹ phần thể xác; những người cùng hội là anh, chị, em ruột. Nơi sinh hoạt được gọi là Sion. Trong Sion có treo ảnh của ông Ahn Sahng Hong, bà bà Jang Gil Ja tượng trưng cho cha, mẹ và bảng ghi “Giáo huấn của Mẹ”.
Theo số liệu đến năm 2015, hội này đã có khoảng 2.500 hội, nhóm với khoảng 2 triệu người tin theo, có mặt ở 175 quốc gia, trụ sở chính đặt tại Bundang, thành phố Sungnam, tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc. Năm 2012, các tôn giáo ở Hàn Quốc cho đây là tà đạo và đề nghị Nhà nước cấm hoạt động.
Khoảng năm 2001, “Hội Thánh đức Chúa trời Mẹ” du nhập vào Việt Nam với ba tên gọi: “Hội Thánh đức Chúa trời”, “Hội Thánh của đức Chúa trời” và “Hội Thánh đức Chúa trời mẹ”. Quá trình du nhập vào Việt Nam, tôn giáo này ngày càng tỏ rõ là một tà đạo.
Xét về mục đích hoạt động, các điểm nhóm của “Hội Thánh đức Chúa trời” được hình thành và hoạt động vì lợi ích của người sáng lập và nhóm người đứng đầu. Rất nhiều nạn nhân đã từng tham gia “Hội Thánh Đức Chúa trời” ở Hải Phòng cho biết: Những người đã được “tuyển chọn” khi đến nghe giảng đạo đều phải “tự nguyện” cho tiền vào phong bì đã in sẵn chữ “Cha mẹ yêu anh em rất nhiều” do người giúp việc của trưởng nhóm đưa, mỗi ca nghe giảng đạo 2 giờ là 50 ngàn đồng, có những người tham gia một ngày 3 ca thì nộp 150 ngàn. Còn với những người ở luôn trong điểm nhóm thì sẽ được trưởng nhóm hoặc phó nhóm bố trí công việc hằng ngày như chạy xe ôm (nam giới); đi bán bóng bay, bán mỹ phẩm (nữ giới)…Đến cuối ngày, những người này cho tiền vào phong bì rồi nộp cho trưởng nhóm (thường là 100 đến 200 ngàn đồng). Còn những ai vẫn đi làm ở những nơi khác mà tham gia Hội thì nộp 10% tổng thu nhập hằng tháng. Họ gọi đây là “dâng” cho Đức Chúa trời Mẹ giữ hộ, nhưng mục đích sử dụng vào việc gì thì không ai được phép hỏi. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, các điểm nhóm thu, chi tiền không có hóa đơn, chứng từ, không công khai tài chính, trưởng nhóm hoặc hoặc một vài người phụ trách nhóm toàn quyền sử dụng. Phụ trách các điểm nhóm còn tìm cách để vận động những người theo đạo bán hết tài sản để cống hiến cho hội.
“Hội Thánh Đức Chúa trời” đề ra các giáo lý xuyên tạc về ngày tận thế hay những tư tưởng trái với thuần phong mỹ tục, cho rằng con người không phải do cha, mẹ sinh ra, phải đập bỏ bát hương thờ tổ tiên, không ăn cơm cúng, v.v..
“Hội Thánh Đức Chúa trời” tổ chức cho những người theo đạo tiến hành các nghi lễ sinh hoạt, cầu nguyện vào thứ 7 hằng tuần, nữ có khăn ren trắng trùm đầu, không sử dụng cây thánh giá, không công nhận Lễ Giáng sinh, xây dựng và củng cố niềm tin vào Đức Chúa trời mẹ và ngày tận thế, bắt các tín đồ uống một thứ nước màu đỏ và bột màu trắng để “củng cố đức tin”. Khi truyền đạo, những người truyền đạo thường liệt kê ra những mặt trái của xã hội như tai nạn giao thông, giết người, cướp của, v.v., nhấn mạnh cuộc sống hiện tại đầy rủi ro, bất trắc, làm cho người nghe hoang mang, chọn cách theo đạo như một cứu cánh. vô cảm với người thân, luôn ảo tưởng về cuộc sống sau khi chết. “Hội Thánh Đức Chúa trời” yêu cầu tín đồ càng truyền tin cho nhiều người thì càng tốt, cho rằng đây là một việc lớn lao, cao cả, lôi kéo người ngoài vào đạo được gọi là “kết trái”, mời được một người thì được một trái và được cộng điểm. Họ sui các tín đồ kiêng tắm rửa, bắt phụ nữ phá thai, nhịn ăn, không hương khói tổ tiên, không biết ơn sinh thành của bố, mẹ đẻ, học sinh, sinh viên sẵn sàng bỏ học, bỏ nhà để tham gia sinh hoạt hội, nhóm.
Những người truyền đạo của “Hội Thánh Đức Chúa trời” không đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mà thường lợi dụng danh nghĩa mở các văn phòng đại diện, thành lập công ty, buôn bán hàng đa cấp, tiếp thị máy lọc nước, trung tâm từ thiện, nhân đạo trá hình…để vừa lẩn tránh sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương, vừa tuyên truyền, lôi kéo, phát triển tổ chức. Trước đây, các đối tượng thường thuê nhà 2 - 3 tầng với giá vài chục triệu đồng/tháng để làm nơi tụ tập, truyền đạo trái phép. Hiện nay, do bị cơ quan chức năng kiểm tra nên các đối tượng đã chia cơ sở nhỏ lẻ hơn để dễ dàng chuyển địa điểm nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Đối tượng bị lôi kéo của “Hội Thánh Đức Chúa trời” chủ yếu là phụ nữ, người già và học sinh, sinh viên hoặc những người nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh gia đình éo le, bất hạnh trong cuộc sống. Hoặc là những người đang chịu áp lực lớn về công việc, học tập, tìm kiếm việc làm.
Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, sự phản ánh của người dân, căn cứ vào mục đích, những tín điều, nghi lễ, phương thức hoạt động, các đối tượng mang danh “Hội Thánh Đức Chúa trời” đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, thuần phong, mỹ tục của văn hóa Việt Nam; gây hậu quả xấu trong xã hội. Để hạn chế hoạt động tiêu cực này, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động tôn giáo, truyền đạo trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các quy định của địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác trước những thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng. Động viên và tổ chức cho nhân dân yên tâm tư tưởng, tích cực lao động sản xuất, học tập, công tác, cải thiện đời sống xã hội. Quan tâm hơn nữa đến việc giải quyết những bức xúc cuộc sống, những gia đình và những trường hợp có hoàn cảnh éo le, bất hạnh, những người đang chịu áp lực cao trong học tập, công tác và công việc.

Nhận xét