Chuyển đến nội dung chính

Việt Nam có tiếng nói đáng tin cậy về các vấn đề liên quan đến Luật Nhân đạo quốc tế


QĐND ONLINE - QUAN ĐIỂM, CÁC BIỆN PHÁP VÀ THÀNH TỰU BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI CỦA VIỆT NAM ĐƯỢC CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ ĐÁNH GIÁ CAO CHO DÙ VIỆT NAM PHẢI TRẢI QUA NHIỀU CUỘC CHIẾN TRANH KHỐC LIỆT VỚI NHỮNG HẬU QUẢ DAI DẲNG, GÂY NHIỀU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TỚI CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN TRÊN MỌI MIỀN TỔ QUỐC HIỆN NAY.

“Tại Việt Nam, những câu chuyện về nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn mới. Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu nhiều hậu quả chiến tranh như vật liệu nổ còn sót lại và các di chứng do chất độc da cam gây ra. Đây là lý do vì sao Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ và đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế về các vấn đề liên quan đến Luật Nhân đạo quốc tế”, ông Beat Schweizer, Trưởng đại diện khu vực của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan, khẳng định tại buổi Hội thảo tổ chức tại Hà Nội sáng 5-12, nhân kỷ niệm 60 năm Việt Nam phê chuẩn các công ước Geneva năm 1949.
 Ảnh minh họa. Nguồn: baonghean.vn.
Ông Beat Schweizer cũng nhấn mạnh: “ICRC đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc nỗ lực củng cố, phát triển hơn nữa Luật Nhân đạo quốc tế”.
Là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến, Việt Nam hiểu rõ hệ quả tàn khốc của chiến tranh, và nhận định rằng chiến tranh không chỉ gây thương đau cho con người và đất nước trong thời gian xảy ra cuộc chiến mà còn để lại những hệ quả đau thương, những mất mát không thể bù đắp cho các thế hệ sau này. Kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy bom mìn, vật nổ trong chiến tranh vẫn còn sót lại trên khắp lãnh thổ Việt Nam, lấy đi sinh mạng của hơn 50.000 người và làm bị thương hơn 60.000 người kể từ khi đất nước thống nhất năm 1975. Trong số những nạn nhân nêu trên, chủ yếu là những lao động chính trong các gia đình và trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước Việt Nam. Bom mìn, vật nổ nằm trong lòng đất không chỉ là mối hiểm nguy tiềm ẩn đối với người dân, mà còn là rào cản đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Nhận rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền con người theo các tiêu chuẩn quốc tế và các công ước quốc tế liên quan tới quyền con người và các vấn đề nhân đạo, ngày 5-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gửi Công hàm đến Chủ tịch Liên bang Thụy Sĩ, tuyên bố gia nhập bốn Công ước Geneva năm 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế.
“Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, là minh chứng cho vị trí quan trọng của việc tôn trọng Luật Nhân đạo quốc tế và thúc đẩy thực thi Luật Nhân đạo quốc tế trong chính sách của Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định.
Việt Nam là một dân tộc văn hiến với truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung. Hoạt động nhân đạo đã được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng các chủ trương chiến lược đúng đắn, kịp thời, chính sách cụ thể. Ngay khi còn trong thời gian chiến tranh, với tư cách là thành viên của bốn Công ước Geneva năm 1949, Việt Nam đã tiến hành trao đổi thông tin, viện trợ thuốc men, vệ sinh nước sạch cho người bị thương, trao trả tù binh…
Trong giai đoạn hòa bình hiện nay, các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam đã thu được một số kết quả quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, và đề cao việc đối xử nhân đạo với các ngư dân trên biển…
Bên cạnh đó, việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền Luật Nhân đạo quốc tế trong trường học và cho các đối tượng liên quan cũng là một trong những hoạt động được chú trọng đẩy mạnh. Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với ICRC trong các hoạt động này.
Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về các vấn đề nhân đạo hay quyền con người bắt nguồn từ truyền thống lịch sử, văn hóa của một dân tộc luôn coi trọng hòa hiếu, khoan dung, nhân đạo, yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn. Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước.
Quan điểm, chủ trương của Việt Nam về quyền con người được thể hiện ở nhiều nội dung, bao gồm quyền con người liên quan mật thiết đến hòa bình, an ninh và phát triển. Quan điểm đó được người dân Việt Nam đồng lòng ủng hộ qua nhiều thế hệ, quyết tâm giành được độc lập, tự do, thống nhất đất nước để được sống trong môi trường hòa bình. Kể từ khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, an ninh xã hội và an toàn cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú trọng. Môi trường hòa bình và an ninh được bảo đảm trong những năm qua là điều kiện thuận lợi để Đảng và Nhà nước cụ thể hóa những đường lối chính sách phát triển đời sống của người dân trên khắp các tỉnh, thành phố của cả nước. Những kết quả mà công cuộc đổi mới đem lại không những cải thiện đáng kể đời sống người dân, đưa nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình, mà còn được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao, và coi là mô hình để nhiều quốc gia học tập.
Hiện nay, với chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam là thành viên của gần 20 Công ước và các Hiệp ước quốc tế và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các diễn đàn quốc tế, trong đó có các diễn đàn về bảo đảm quyền con người. Việc chủ động hội nhập và tham gia các công ước quốc tế là dịp để Việt Nam chia sẻ và học hỏi thêm kinh nghiệm bảo đảm quyền con người với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của nhân dân.
NGỌC HẢI

Nhận xét