QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO KHÔNG PHẢI LÀ QUYỀN TỰ DO VÔ NGUYÊN TẮC

Hồng Thủy

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng, là cái thiêng liêng không ai được xâm phạm hay làm tổn hại. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính là tôn trọng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, tôn trọng tự do, dân chủ trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Đây là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam vì cuộc sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, tự do vô nguyên tắc.

Luật pháp quốc tế và của nhiều quốc gia đều quy định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân, nhưng vẫn phải chịu sự điều chỉnh của nhà nước. Điều 18 trong Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị được Liên Hiệp Quốc năm 1966 ghi rõ: “Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay trong chỗ tư nhân, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo”, song các quyền này vẫn phải giới hạn bởi quy định của pháp luật của nhà nước và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác... Điều 29 trong Tuyên Ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 cũng nêu rõ: Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định – và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ. Trong bất cứ trường hợp nào, nhân quyền và những quyền tự do này cũng không được hành xử trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc”.
Ở Việt Nam, xuyên suốt quá trình lịch sử của đất nước quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng đã được Nhà nước cụ thể hóa trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật, đồng thời được thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua những văn bản quy phạm pháp luật tuỳ theo tình hình thực tế từng thời kỳ và nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 3 Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2016 ghi rõ: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán của nhân dân. Coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của người dân cần phải được tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để mọi người thực hiện tốt nhất quyền đó và thực sự trở thành một trong những quyền cơ bản của con người trên thực tế. Đồng thời, trong tất cả các văn bản Hiến pháp và Pháp luật của Việt Nam đều có nội dung quy định nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm lợi ích của đất nước, của nhân dân là phù hợp với luật pháp quốc tế, tương thích với Công ước quốc tế về Quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết, gia nhập.
Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 chỉ rõ: “Các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

Như vậy, “mọi người” với tư cách là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì phải có nghĩa vụ chấp hành và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong và theo khuôn khổ của Hiến pháp và Pháp luật của Việt Nam. Mọi người, tổ chức và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tự do tùy tiện vô nguyên tắc, vô giới hạn mà phải nằm trong hạn định của luật pháp quốc tế và pháp luật của nhà nước. Tuyệt đối không được làm ảnh hưởng và vi phạm đến quyền tự do cơ bản của người khác, hoặc cản trở đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Đồng thời nghiêm cấm bài xích, đối đầu nhau, gây chia rẽ, mất đoàn kết. Bất cứ công dân Việt Nam nào kể cả cán bộ, đảng viên, các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo nếu có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạmc hành vi bị nghiêm cấm trên thì đều phải bị xử lý nghiêm minh như nhau.

Nhận xét