PHẢI CHĂNG PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN XÃ HỘI THEO CÁC NỀN VĂN MINH CỦA ALVIN TOFFER LÀ ĐÚNG ĐẮN, KHOA HỌC?


                                                                                                                      Kiên Trung
Thời gian qua, nhà tương lai học người Mỹ - Alvin Toffer với cuốn “Làn sóng thứ ba” đã nghiên cứu xã hội hiện đại và chia lịch sử nhân loại ra thành “Ba làn sóng” tức “Ba nền văn minh” lần lượt kế tiếp nhau - văn minh nông nghiệp (Ra đời và tồn tại từ khoảng 3000 năm trước công nguyên cho đến trước thế kỷ XVIII); văn minh công nghiệp (ra đời từ cuộc cách mạng công nghiệp ở các nước Tây Âu vào thế kỷ XVIII cho đến giữa thế kỷ XX) và văn minh tin học (còn gọi là văn minh trí tuệ - Ra đời từ những năm 50 của thế kỷ XX đến nay và được thể hiện tiêu biểu ở các nước tư bản có nền công nghiệp phát triển).
Phương pháp tiếp cận xã hội này của Alvin Toffer đã, đang được giới lãnh đạo và các học giả tư sản ra sức tán dương, ca ngợi và xem đó là “chìa khóa” để thay thế phương pháp tiếp cận xã hội của C.Mác. Qua đó tiếp tục chiêu bài xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác nói riêng.
Với góc nhìn khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển có thể khẳng định rằng, cách tiếp cận các nền văn minh có giá trị nhất định; do lịch sử loài người đã chứng minh, những thời kỳ phát triển nhanh, mạnh của lịch sử là những thời kỳ có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy là không toàn diện, một chiều do vậy không thực sự khoa học và thiếu cơ sở khách quan. Bởi vì, phương pháp này không chỉ ra được nguồn gốc, động lực của sự phát triển lịch sử xã hội; nó chủ yếu dựa trên sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của công nghệ nên không thể hình dung xã hội như một chỉnh thể, một cơ thể sống hết sức phức tạp; nó không chỉ ra được yếu tố nào làm cơ sở cho tất cả các yếu tố khác trong cơ thể xã hội. Thực chất, cách tiếp cận này vẫn là một sự tuyệt đối hóa yếu tố kinh tế - kỹ thuật, thổi phồng vai trò của khoa học công nghệ hiện đại nhằm biện hộ cho sự tồn tại “hợp lý” của chủ nghĩa tư bản; đã đem đồng nhất tiến bộ khoa học kỹ thuật với tiến bộ xã hội, quy tiến bộ xã hội chỉ còn là tiến bộ của khoa học kỹ thuật; nó chỉ xem xét mặt lực lượng sản xuất mà bỏ qua vai trò của quan hệ xã hội, không thấy được mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất với ý đồ che đậy mâu thuẫn cơ bản trong lòng xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản, giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất tư bản hiện đại với sự bảo thủ, lạc hậu của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất tư bản chủ nghĩa; xem nhẹ các yếu tố chính trị - xã hội; lảng tránh vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, v.v..
Vì vậy, trên thực tế phương pháp tiếp cận xã hội theo các nền văn minh của Alvin Toffer không giải quyết được một cách đúng đắn, khoa học về đời sống xã hội và lịch sử phát triển của xã hội loài người. Do đó, nó hoàn toàn không thể trở “điểm tựa” về mặt lý luận để các học giả tư sản có thể xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác.













Nhận xét