CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN VÀ NHỮNG HỆ LỤY CỦA NÓ

                                                                                             Gió biển
Con người phát triển toàn diện trong chế độ xã hội chủ nghĩa là con người biết kết hợp hài hòa các lợi ích giữa cá nhân - tập thể - xã hội. Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng và xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi lợi ích cá nhân là động lực duy nhất thì đó là tư tưởng cực đoan, dễ sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân. Về bản chất, chủ nghĩa cá nhân là lối sống tuyệt đối hóa lợi ích, sự tự do cá nhân, hướng tới thỏa mãn những suy nghĩ, nhu cầu, mục đích, hành vi vụ lợi, hưởng lạc theo chủ nghĩa vị kỷ, nuôi dưỡng tính hám lợi, hiếu danh, ích kỷ.
Chủ nghĩa cá nhân không tự nhiên sinh ra và tồn tại ở mọi xã hội mà nó chỉ nảy sinh và phát triển trong xã hội dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, ở đó còn tồn tại tình trạng người bóc lột người, khi giải quyết mối quan hệ về lợi ích thì luôn đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết. Hệ lụy của chủ nghĩa cá nhân mang lại là vô cùng nguy hại, bởi đó là nguồn gốc sâu xa, suy đến cùng dẫn tới sự suy thoái biến chất, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong Đảng,
Chủ nghĩa cá nhân được biểu hiện đa dạng, luôn biến hóa muôn hình vạn trạng. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực” (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe khoang thì nhiều); bệnh cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Người coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm” và “địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Đó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng.
Hiện nay, bên cạnh việc đón nhận những cơ hội thuận lợi, nước ta còn chịu sự chi phối, ảnh hưởng không nhỏ từ mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khi cái mới và cũ còn tồn tại đan xen, cái tiến bộ đang dần hình thành và tàn dư của xã hội cũ chưa bị loại bỏ hoàn toàn thì chủ nghĩa cá nhân vẫn có môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh với những biểu hiện ngày càng phức tạp và vô cùng tinh vi. Điều này đã được Đảng ta nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”[1]. Trong xã hội, ở một số cơ quan công quyền, tình trạng cục bộ địa phương, bè phái, tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, tư lợi của công, chuyên quyền, độc đoán, hách dịch, lên mặt làm quan cách mạng,... vẫn diễn ra, đang nổi lên như một vấn nạn, gây bức xúc cho toàn xã hội.
Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng này là do “bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”[2]. Điều đó dẫn đến một hệ lụy vô cùng nguy hại: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”[3]

Một khi chủ nghĩa cá nhân có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển sẽ là mối nguy hại vô cùng to lớn. Những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng cơ hội, thực dụng luôn có động cơ vụ lợi, tham vọng lớn, cả trong ý nghĩ lẫn hành động. Đôi khi, để đạt được mục đích cá nhân, họ sẵn sàng tìm mọi cách luồn lách, len lỏi, triệt để lợi dụng sự sơ hở của cơ chế, chính sách, sự yếu kém của công tác quản lý để đục khoét của công, biến của công thành của riêng. Đặc biệt, với những cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, quyền lực càng lớn mà mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng thì càng nguy hiểm cho cơ quan, đơn vị và xã hội. Đồng thời, đây thực sự là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực thù địch lợi dụng tấn công vào nội bộ, làm phân hóa, gây chia rẽ đoàn kết trong Đảng, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ý thức được trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi điều kiện, hoàn cảnh cần kiên định mục tiêu, lý tưởng,  nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện phát triển phẩm chất, đạo đức, nhân cách phấn đấu trở thành những tấm gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm, trung thành, sáng tạo góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
 







[1] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.23.
[2] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.24-25.
[3] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.23.

Nhận xét